Tin doanh nghiệp nổi bật trong tuần: Masan chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Masan MEATLife

Tin doanh nghiệp nổi bật trong tuần: PWA bị xử phạt và truy thu thuế 30 tỷ đồng; Masan chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Masan MEATLife... là những thông tin nổi bật đáng chú ý trong tuần.

PWA bị xử phạt và truy thu thuế 30 tỷ đồng

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, CTCP Bất động sản Dầu khí (UPCoM: PWA) đã có vi phạm về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với hành vi kê khai ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN không đúng quy định.

Vì vậy, Cục thuế TP Hà Nội đã ra quyết định PWA phải nộp hơn 4 tỷ đồng tiền phạt do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. PWA còn phải nộp hơn 20,3 tỷ đồng tiền truy thu thuế TNDN (trong đó số tiền truy thu năm 2018 là 4,9 tỷ đồng, năm 2019 là 8,4 tỷ đồng và năm 2020 là 7,1 tỷ đồng). Ngoài ra, PWA sẽ phải nộp thêm số tiền chậm nộp thuế TNDN là hơn 6,2 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt và truy thu hơn 30 tỷ đồng.

APC bị phạt hơn 700 triệu đồng vì vi phạm về thuế

Cục thuế tỉnh Bình Dương đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với CTCP Chiếu xạ An Phú (HOSE: APC), với tổng số tiền phạt và truy thu hơn 709 triệu đồng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lý do, APC đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp gần 590,9 triệu đồng từ năm 2017-2019 (năm 2017 là 191 triệu đồng, năm 2018 là 162,6 triệu đồng và năm 2019 là 237,2 triệu đồng).

Mặt khác, APC còn phải nộp thêm 118,2 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính.

Năm 2022, APC đạt doanh thu thuần gần 136 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước nhưng lỗ ròng 9 tỷ đồng, năm 2021 chỉ lỗ ròng gần 1,6 tỷ đồng.

Masan chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Masan MEATLife 

Do mục đích tái cấu trúc nội bộ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan sẽ chuyển giao toàn bộ hơn 257 triệu cổ phần của CTCP Masan MEATLife, tương đương 78,63% vốn điều lệ mà Công ty đang nắm giữ, cho một công ty thành viên khác là CTCP Masan Agri. 

Việc chuyển giao có thể thực hiện thông qua một hoặc nhiều giao dịch phụ thuộc vào nguồn tài chính của Công ty, sự phê chuẩn nội bộ và của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng quang - Chủ tịch HĐQT hoặc ông Danny Le - Tổng Giám đốc Masan quyết định cách thức, thời điểm và giá cho các giao dịch chuyển nhượng theo quy định.

Cổ phiếu DIG giảm sàn trước tin bị thanh tra, DIC Corp lên tiếng giải trình

Ngày 27/2/2023, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG).

Thông tin này đã khiến cho cổ phiếu DIG giảm liên tục và biên độ bán tăng đáng kể. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước tình hình ấy, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT đã lên tiếng cho rằng đây là một hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay và khẳng định DIG đang nỗ lực tối đa để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Ông Tuấn cũng mong muốn cổ đông bình tĩnh trước thông tin nhiễu loạn, an tâm và tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp. 

Ngay sau khi Chủ tịch DIC Corp lên tiếng, dòng tiền bắt đầu đổ lại vào DIG, đến cuối phiên ngày 1/3, khối lượng chào bán tại giá sàn chỉ còn khoảng 800.000 cổ phiếu.

Kinh Bắc dự kiến mua lại trước hạn lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng

Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) vừa công bố sẽ mua lại trước hạn trái phiếu có mã KBCH2123002 vào ngày 5/4/2023, sớm hơn gần hai tháng so với kế hoạch. Nguồn tiền lấy từ dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Theo công bố, đây là lô trái phiếu có giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, được phát hành ngày 3/6/2021 và đáo hạn 3/6/2023. Lãi suất được áp dụng cố định 10,5%/năm và trả lãi 6 tháng/lần.

Theo kết quả công bố, 1.000 tỷ đồng trái phiếu này được phân phối cho một công ty chứng khoán, một quỹ đầu tư chứng khoán trong nước, 27 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, hai tổ chức trong nước khác cùng một quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài. CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là bên đứng ra sắp xếp cho thương vụ.

Biến động nhân sự cấp cao tại Tập đoàn FLC

Tập đoàn FLC đã công bố các nghị quyết Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm ông Lê Tiến Dũng giữ cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn và bà Trần Thị Hương giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực từ ngày 2/3/2023.

Ông Lê Tiến Dũng (thứ hai từ bên phải), tân Tổng giám đốc FLC và bà Trần Thị Hương, tân phó tổng giám đốc thường trực tại buổi công bố quyết định chiều 1/3. Ảnh: FLC
Ông Lê Tiến Dũng (thứ hai từ bên phải), tân Tổng giám đốc FLC và bà Trần Thị Hương, tân phó tổng giám đốc thường trực tại buổi công bố quyết định chiều 1/3. Ảnh: FLC

Trước đó, vào ngày 27/2, ban lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn FLC gồm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền, Phó Tổng Giám đốc thường trực Đàm Ngọc Bích và Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Trúc Quỳnh đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm.

Sau sự ra đi của bà Huyền, các thành viên trong HĐQT của FLC đều là những người được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022, không còn thành viên nào từ thời cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Được biết, ngày 4/3 sắp tới, FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 để bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT.

 

Hương Giang (T/h)

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục