Theo Business Insider, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) Cecilia Skingsley cho hay ngân hàng này đang xem xét động thái trên sau khi mức dùng tiền mặt lao dốc. Số lượng tiền giấy và tiền xu trong lưu thông hạ 40% từ năm 2009 còn mua sắm trực tuyến và thanh toán bằng thẻ thì tăng.
Tại Thụy Điển, người dân đã từ lâu không còn thói quen sử dụng tiền mặt. Ảnh minh họa
"Tôi không dùng tiền mặt nữa, với tất cả mọi việc. Chỉ là anh không cần đến nó nữa thôi. Cửa hàng không nhận, nhiều ngân hàng không có. Thậm chí mua thanh kẹo hay tờ báo cũng có thể dùng thẻ hay điện thoại rồi", Louise Henriksson - một trợ giảng 26 tuổi cho biết.
Riksbank cho biết, năm 2015 tiền mặt chỉ chiếm 2% giá trị tất cả các giao dịch thanh toán tại Thụy Điển. Con số này được dự báo giảm xuống chỉ còn 0,5% năm 2020. Còn tại các cửa hàng, tiền mặt giờ được sử dụng cho gần 20% giao dịch, bằng nửa con số 5 năm trước, và thấp hơn nhiều trung bình toàn cầu là 75%.
Dù nhiều ngân hàng đã được tiếp cận với tiền điện tử của ngân hàng trung ương, nếu Thụy Điển chọn cách giới thiệu đồng “ekrona”, họ sẽ trở thành nước lớn đầu tiên trên thế giới cung cấp cho người tiêu dùng quyền truy cập trực tiếp vào tiền ảo được ngân hàng trung ương phát hành. Riksbank cũng là nhà băng trung ương đầu tiên trên thế giới phát hành tiền giấy vào thập niên 1660.
"Đồng e-krona có thể là một chiếc thẻ, hoặc một ứng dụng các bạn sử dụng trên điện thoại, các ý tưởng vẫn đang rất linh hoạt", bà Cecilia Skingsley nói.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại trong việc phát hành tiền điện tử e-krona. Cụ thể, ngoài lí do việc tiền ảo Bitcoin chưa được chấp nhận rộng rãi, giới chuyên gia cho rằng tiền điện tử có thể bị lợi dụng trong hoạt động rửa tiền, buôn lậu và khủng bố.
Riksbank hi vọng có thể giải quyết được các vấn đề trên, để chính thức tung ra tiền điện tử vào năm 2018.
Phương Anh