Đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ theo nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, Bộ Tài chính phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền ban hành; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân...
Hiện nay mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu. Mức này được duy trì từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế và người phụ thuộc đang quá thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt, nhất là khi giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ tăng cao…
Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Con số này cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 - thời điểm soạn thảo luật Thuế thu nhập cá nhân).
Như vậy, thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần.
Cần sớm sửa đổi Luật Thuế TNCN
Theo các chuyên gia kinh tế, một số quy định của Luật Thuế TNCN đến nay đã không còn phù hợp. Các quy định về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... đã lạc hậu, chưa theo sát những biến động của tiền lương tối thiểu, diễn biến về giá cả và lạm phát.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, chưa thể điều chỉnh Luật Thuế TNCN vì liên quan đến các quy định biến động CPI (trên 20%). Thu nhập bình quân của người dân hiện nay là trên 4,9 triệu đồng/người/tháng, mức giảm trừ gia cảnh để nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới một lần…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, cho hay mức giảm trừ gia cảnh chưa hợp lý và không sát với thực tế cuộc sống. Mức giảm trừ gia cảnh đã được duy trì từ năm 2020. Trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập.
Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%. Do đó, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua Luật Thuế TNCN sửa đổi thì sẽ có nhiều người dân phải sống trong cảnh “eo hẹp” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cũng cho rằng cần nghiên cứu sớm sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế. Từ năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động…
Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.
Năm 2025 sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân
Tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 18/3, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến giải pháp phòng ngừa, răn đe tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
Chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 01/7/2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phương án xét mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới và mức bao nhiêu là phù hợp.
Cùng nội dung chất vấn, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Bộ trưởng quan tâm việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về nội dung nêu trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, theo quy định hiện nay, phải thực hiện theo đúng pháp luật. Theo đó, muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì phải sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo kế hoạch năm 2025 sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ nêu quan điểm, đồng thời lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và các cơ quan để xây dựng lại yếu tố về giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Liên quan đến tranh luận của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn, do đó, cần có giải pháp đột phá hơn, nhất là giảm thuế, phí, Bộ trưởng cho rằng, thuế, phí là nguồn thu ngân sách, nếu cứ giảm thuế, phí thì giảm sức mạnh tài chính công. Trong khi đất nước đang còn bội chi ngân sách thì việc giảm thuế, phí không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.