Lãi suất huy động cao nhất 8,5%/năm
Cuối tháng 8, đầu tháng 9, một số ngân hàng lớn đã phát đi thông điệp hạ mặt bằng giá vốn khi tiếp tục giảm lãi suất huy động đồng Việt Nam (VND) ở hầu hết các kỳ hạn. Như tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), lãi suất huy động cao nhất chỉ là 6,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 và 36 tháng; kỳ hạn 12 tháng chỉ 6,5%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng chỉ 5,7%/năm…
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Tiến Đông cho biết: Cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 5,82% so với cuối năm 2013. Mặc dù vốn đã tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, song tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng với mục tiêu 12-14% trong năm 2014.
Mặc dù bắt nhịp tín hiệu này, song lãi suất huy động tại các ngân hàng khác, nhất là nhóm “vừa và nhỏ” vẫn giữ một khoảng cách khá xa với những “ông lớn”.
Khảo sát của PV cho thấy, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bắc Á đang dẫn đầu thị trường về mặt bằng lãi suất huy động vốn ở hầu hết các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất tại Bắc Á là 8,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng; kỳ hạn 11, 12, 13 tháng lần lượt 8,3; 8,4 và 8,5%/năm; 9-11 tháng 7,6%/năm; 7-9 tháng 7,5%/năm; 1-6 tháng 6%/năm và không kỳ hạn đến ba tuần đều 1%/năm.
Mặc dù không cao vọt như Bắc Á, song một số ngân hàng cũng có lãi suất huy động ở mức “khá” so với mặt bằng chung, như: An Bình (ABBank), Bảo Việt, Đại Dương (OceanBank), Nhà TP HCM (HDBank), Phương Nam (SouthernBank), Sài Gòn (SCB), Tiên Phong (TPBank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 36 tháng của những ngân hàng này dao động 7,3% đến 8,2%/năm; 24 tháng 7,5-8,2%/năm; 18 tháng 7,5%-8,1%/năm; 12 tháng 7,5%-7,95%/năm; 9 tháng 6,5%-7,3%/năm); 6 tháng 6-6,8%/năm; từ 1 đến 6 tháng mức trần khoảng 6%/năm…
Lợi nhuận thấp, rủi ro cao
Nhìn vào mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng có thể thấy, trong khi người gửi tiền có cơ hội sinh lời cao hơn tại những ngân hàng nhỏ thì người vay vốn lại có cơ hội tiếp cận tín dụng giá rẻ hơn tại những ngân hàng lớn.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thời điểm cuối tháng 8 cũng thể hiện, tại nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (hoặc Nhà nước có cổ phần chi phối), lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn phổ biến 9-10%/năm, dài hạn 10,5-11,5%/năm; trong khi tại nhóm ngân hàng TMCP phổ biến 9,5-10% và 11-12%; cho vay nông nghiệp, nông thôn xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ tại nhóm ngân hàng Nhà nước ngắn hạn là 7-8%/năm, dài hạn 10-11%/năm; nhóm cổ phần 8% và 10-12%/năm.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, hệ thống ngân hàng không thiếu tiền cho vay và lãi suất không còn là vấn đề lớn với các doanh nghiệp. “Việc làm ăn thiếu bài bản, chưa đúng quy định là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Bình nhận xét.
Quả thực, một vài năm trở lại đây, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng luôn đạt 16-17%/năm, song tăng trưởng tín dụng chỉ 11-12%/năm. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8/2014 phát hành mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, doanh nghiệp khó khăn đã ảnh hưởng đến mức sinh lời của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tín dụng tăng thấp (theo tính toán của cơ quan này, dư nợ bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,52%) và chênh lệch lãi suất (NIM) toàn ngành giảm đã khiến lợi nhuận trước dự phòng của hệ thống giảm so với cùng kỳ 2013, ảnh hưởng đến khả năng trích lập dự phòng rủi ro. Điều đó cũng có nghĩa, rủi ro sẽ càng cao hơn với những ngân hàng đang “chạy đua” lãi suất huy động.
Theo Báo Giao Thông Vận Tải