Thua lỗ triền miên, cổ phiếu CII bị đưa vào diện cảnh báo

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CK: CII) vào diện cảnh báo từ ngày 30/3/2022.

 

Thua lỗ triền miên, cổ phiếu CII bị đưa vào diện cảnh báo - Ảnh 1

Trong báo cáo tình hình kinh doanh, trong quý IV/2021, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh công bố thua lỗ lên đến 375 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 31 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Công ty này giảm phân nửa xuống còn 2.916 tỷ đồng, thua lỗ ròng hơn 341 tỷ đồng.

Theo giải trình của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, hai quý cuối năm 2021, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu của Công ty này sụt giảm mạnh. Tất cả trạm BOT do Công ty quản lý phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh trong thời gian giãn cách. Trong khi đó, Công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại.

Trong quý IV/2021, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng một phần khoản đầu tư vào công ty con là cổ phiếu NBB của Công ty Năm Bảy Bảy, cải thiện đáng kể dòng tiền và có lợi nhuận kế toán trên báo cáo riêng công ty mẹ là 595 tỷ đồng, lợi nhuận thực hợp nhất 488 tỷ đồng nhưng theo quy định của chế độ kế toán hiện hành chưa được ghi nhận vào kết quả kinh doanh trên báo cáo hợp nhất.

Trước khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có một loạt động thái thoái vốn khỏi các công ty con. Mới đây nhất, HĐQT Công ty đã thông qua Nghị quyết chấp thuận việc thoái vốn tại Công ty Hạ tầng nước Sài Gòn (mã CK: SII).

SII là một trong 12 công ty con của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tính tới cuối năm 2021, với tỷ lệ sở hữu 50,61%. Doanh nghiệp này hoạt động trong ba mảng chính là đầu tư phát triển các dự án về xử lý nước, dịch vụ kỹ thuật môi trường nước và phát triển dịch vụ vận hành, bảo trì.

Đáng chú ý, tình hình kinh doanh của SII những năm trở lại không mấy tích cực khi doanh nghiệp đã ghi nhận lỗ liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021, lần lượt lỗ ròng 73 tỷ đồng và gần 105 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tính đến 31/12/2021, công ty vẫn còn hơn 139 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Ba cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP. Hồ Chí Minh (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC); Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương và Dịch vụ XNK Thanh Niên Xung Phong TP. Hồ Chí Minh (VYC) và CTCP Đầu tư và Dịch vụ TP. Hồ Chí Minh (INVESCO).

Trong đó, cổ đông HFIC vừa bị Thanh tra Chính phủ điểm tên một loạt sai phạm. 

Theo Thanh tra Chính phủ, HFIC được thành lập theo Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 2/2/2010 với mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

Thua lỗ triền miên, cổ phiếu CII bị đưa vào diện cảnh báo - Ảnh 2

Trong giai đoạn 2012-2016, UBND Tp.HCM đã quyết định chuyển giao 8 Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước về làm doanh nghiệp thành viên của HFIC.

Sau khi tiếp nhận, quy mô vốn chủ sở hữu của HFIC tăng từ 3.671 tỷ đồng lên 8.205 tỷ đồng. HFIC đã thực hiện cổ phần hóa (viết tắt là CPH) xong 6/8 doanh nghiệp tiếp nhận, tổng vốn điều lệ của 6 DN khi tiếp nhận là 823,5 tỷ đồng, giá trị phần vốn nhà nước nắm giữ sau CPH là 1.073,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra cả 6 doanh nghiệp được HFIC CPH đều còn những vướng mắc khi xử lý các tồn động tài chính trong quá trình cổ phần hóa, chưa quyết toán chuyển thể từ doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần theo thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, Thanh tra chính phủ cũng chỉ ra rằng, HFIC đã có nhiều sai phạm trong việc đầu tư tài chính dài hạn.

Cụ thể, theo BCTC HFIC, tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của HFIC tại thời điểm 30/6/2017 theo sổ sách là 3.250 tỷ đồng, trong đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của HFIC hoạt động kinh doanh không hiệu quả, số dự phòng trích lập thời điểm 31/12/2016 là 226 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào Dự án Tháp SJC sau hơn 9 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn chưa được khởi công xây dựng (Dự án khởi công từ tháng 12/2016 nhưng tạm dừng do hồ sơ pháp lý dự án gặp vướng mắc).

Việc HFIC tiếp tục đầu tư góp vốn để thực hiện dự án Tháp SJC là chưa đúng quy định. Mặc khác, nguồn lực tài chính HFIC cần được ưu tiên sử dụng vào các chương trình trọng điểm, các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư phá triển hạ tầng trọng điểm.. Dự án Tháp SJC không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn.

Khoản đầu tư của Công ty Quản lý kinh doanh nhà đơn vị thành viên HFIC) tại Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue để xây dựng Dự án số 8 -12 Lê Duẩn thực hiện chậm; HFIC không thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Chứng khoán Tp.HCM và Ngân hàng thương mại Việt Á.

Đối với việc cấp tín dụng đầu tư dự án, trong giai đoạn 2010 - 2016, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 152 dự án hạ tầng trên địa bàn Tp.HCM với tổng mức đầu tư là 25.039 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm 30/12/2017 là 4.747 tỷ đồng (trong đó nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là 242 tỷ đồng, chiếm 5%).

Theo TTCP, Kiểm tra 16 hồ sơ, dư nợ thời điểm ngày 31/8/2017 của HFIC là 2.646 tỷ đồng, phát hiện một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, phê duyệt cho vay tại 7 hồ sơ.

Ngoài ra, TTCP chỉ ra HFIC còn nhiều thiếu sót trong bán chỉ định và thẩm định giá một số cơ sở nhà, đất của Quản lý kinh doanh nhà TP thuộc HFIC...

Thua lỗ triền miên, cổ phiếu CII bị đưa vào diện cảnh báo - Ảnh 3

Về cổ đông INVESCO, trước đó, doanh nghiệp này cũng từng bị UBND Tp.HCM chỉ ra sai phạm tại dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên Trường đại học Bách khoa Tp.HCM (P.Phú Hữu, Q.9) và báo cáo lên Thủ tướng.

Cụ thể, INVESCO không thực hiện dự án, chỉ đứng ra làm thủ tục pháp lý để hưởng hơn 1,183 tỉ đồng (3% doanh thu do Trường đại học Bách khoa chi trả); không thực hiện hạ tầng kỹ thuật của dự án...

Viết Dinh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục