Theo CII, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 14,1 km từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh với tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 12,129 héc ta, qua các quận 1, 3, 5, 8, 10 và quận Tân Bình, với tổng số hộ bị giải tỏa 1.186 hộ.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 38.192 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 18.992 tỷ đồng và chi phí làm đường 19.200 tỷ đồng và 3.337 tỷ đồng cho công tác tái định cư.
Đáng chú ý, trong đề xuất trình UBND Tp.HCM CII kiến nghị tách dự án làm 2 dự án độc lập. Cụ thể, dự án 1 sẽ thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Dự án 2 là phần đầu tư xây dựng đường trên cao với thời gian 36 tháng và sẽ được triển khai khi dự án 1 đã hoàn thành. Giai đoạn này, tổng mức đầu tư xây dựng (tính tại năm 2022) khoảng 19.200 tỉ đồng.
Trong đó, vốn chủ hữu chiếm 30% tổng mức đầu tư, không bao gồm lãi trong thời gian thi công, được tính lợi nhuận nhà đầu tư trong thời gian thu phí hoàn vốn là 12%/năm. Vốn vay chiếm 70% tổng mức đầu tư, mức lãi vay dự kiến là 10,5%/năm, tổng lãi vay dự kiến phát sinh trong thời gian thi công là hơn 2.242 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư dự án 2 bao gồm lãi dự kiến phát sinh trong thời gian thi công là hơn 21.442 tỷ đồng.
Cùng với đó, CII cũng kiến nghị UBND Tp.HCM chấp thuận cho đơn vị này điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng cao ốc phía trên và tiếp giáp với tuyến đường trên cao tại vị trí cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) để bổ sung nguồn vốn cho dự án, tạo dấu nhấn về kiến trúc và sử dụng hiệu quả quỹ đất của thành phố.
Đồng thời, đầu tư xây dựng cao ốc ở lô A9 trong khu C30 (quận 10 và Tân Bình) tiếp giáp với tuyến đường trên cao tại ngã 3 Thành Thái – Bắc Hải để làm nhà điều hành và văn phòng cho thuê. Sau 49 năm, toàn bộ các cao ốc này được bàn giao lại cho thành phố.
Trước đó, do thua lỗ triền miên, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã quyết định đưa cổ phiếu CII vào diện cảnh báo từ ngày 30/3/2022.
Cụ thể, trong báo cáo tình hình kinh doanh, trong quý IV/2021, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh công bố thua lỗ lên đến 375 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 31 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Công ty này giảm phân nửa xuống còn 2.916 tỷ đồng, thua lỗ ròng hơn 341 tỷ đồng.
Theo giải trình của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, hai quý cuối năm 2021, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu của Công ty này sụt giảm mạnh. Tất cả trạm BOT do Công ty quản lý phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh trong thời gian giãn cách. Trong khi đó, Công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại.
Trong quý IV/2021, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng một phần khoản đầu tư vào công ty con là cổ phiếu NBB của Công ty Năm Bảy Bảy, cải thiện đáng kể dòng tiền và có lợi nhuận kế toán trên báo cáo riêng công ty mẹ là 595 tỷ đồng.
Trước khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có một loạt động thái thoái vốn khỏi các công ty con.