Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố, 577 các huyện, quận, 664 xã với tổng số đại biểu là 28.571 người.
Hội nghị diễn ra trước thềm mùa mưa bão, thường bắt đầu vào tháng 7, với dự báo có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông từ tháng 7-12/2019.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường trình bày, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích năm 2018 (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỉ đồng.
Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật; nhiều nơi có mưa cục bộ cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, bão đổ bộ vào khu vực trước đây ít xuất hiện, lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long (sau gần 10 chưa có lũ), dông lốc, sét thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2019, thiên tai bất thường, cực đoan tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Ở nước ta, ngay từ đầu năm bão số 1 đã xuất hiện, đi vào Nam Biển đông và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tượng mưa đá, giông lốc xảy ra tại các khu vực trên cả nước và mưa lớn, lũ, lũ quét tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã gây nhiều thiệt hại người và tài sản. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất hiện vẫn đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, năm 2019, bão hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn so với TBNN.
Về lũ và hạn hán, ở Bắc Bộ, từ tháng 7-10/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1-2m.
Ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.
Về công tác phòng chống thiên tai thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia vào cuối năm 2019. Xây dựng Đề án tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: Miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành việc lắp đặt thí điểm cảnh báo lũ quét sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi.
Mở đầu Hội nghị, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn