Thu tiền bảo hiểm của dân rồi… bỏ trốn

Thời gian qua, tại Kiên Giang đã xảy ra tình trạng nhiều đại lý bán bảo hiểm y tế ôm tiền mua bảo hiểm của người dân rồi bỏ trốn. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời là một trở ngại lớn trong lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Đại lý bỏ trốn, người dân chịu thiệt

Đã có hai đại lý bán bảo hiểm y tế ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành thu tiền mua bảo hiểm y tế của người dân rồi bỏ trốn. Điều này khiến nhiều người dân gặp khó, đặc biệt là những trường hợp đang đau ốm, bệnh tật cần được chữa trị ngay.

Thu tiền bảo hiểm của dân rồi… bỏ trốn - Ảnh 1

Bà Võ Thị Hường, ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành cho biết: Bà đến UBND thị trấn mua bảo hiểm y tế do một cán bộ tên Duyên làm đại lý vào thời điểm trước Tết 2014 khoảng 20 ngày. Đợi mãi chẳng thấy thẻ bảo hiểm, khoảng 5 tháng sau bà mới biết đại lý này bị vỡ nợ, tiền thu của dân không nộp về Bảo hiểm Xã hội huyện. Sau đó, chính quyền địa phương đã giới thiệu một đại lý khác làm lại thẻ bảo hiểm cho bà, tính từ thời điểm nộp tiền cho đến khi bà Hường có thẻ để đi khám bệnh là hơn 7 tháng.

Ông Danh Sành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Minh Lương thừa nhận: Trước đây, UBND thị trấn có đăng ký tổ bảo hiểm tại thị trấn Minh Lương và thống nhất cho một cán bộ ở đây đứng ra đại diện. Quy trình, cách làm, phương pháp làm như thế nào thì giữa phòng Bảo hiểm Xã hội sẽ làm hợp đồng với người làm đại diện ở thị trấn làm tổ đại lý.

Thời gian đầu cũng thuận lợi, sau này mới xảy ra vụ việc giữa người dân với người bán bảo hiểm, chậm trễ bảo hiểm cho người dân. Vì vậy, chúng tôi đã mời cán bộ được giới thiệu làm tổ đại lý lên làm việc. Sự thật có xảy ra là việc chậm trễ bảo hiểm nên người dân không nhận được.

Lý do là cán bộ này có khó khăn nên đã trưng dụng một phần số tiền của người dân để sử dụng, không đi đăng ký mua bảo hiểm cho người dân, đến khi người dân lên nhận thẻ bảo hiểm thì không có. Một đại lý trước đó cũng xảy ra tình trạng đó, chúng tôi yêu cầu cho cắt hợp đồng với Bảo hiểm Xã hội huyện rồi mới giới thiệu người thứ hai nhưng vẫn xảy ra tình trạng đó, cả hai người đều là cán bộ của thị trấn.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Đông Thái (huyện An Biên) và thị trấn Minh Lương, có ít nhất 110 trường hợp người dân đóng tiền nhưng không được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc được cấp thẻ trong thời gian rất lâu do các đại lý vỡ nợ bỏ trốn.

Trong số đó, có trường hợp 4-5 người trong cùng một gia đình. Khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương (cũng chính là nơi giới thiệu cán bộ làm đại lý bán bảo hiểm y tế) chỉ vận động gia đình người làm đại lý trả lại tiền cho người dân, còn việc thụ hưởng những lợi ích do bảo hiểm y tế mang lại của người dân thì hầu như không được quan tâm.

Đa phần những người đã nộp tiền đều không mua được thẻ bảo hiểm y tế và không được thanh toán khi khám chữa bệnh. Một số ít người mua được thẻ thì cũng bị chậm trễ. Điều này khiến nhiều thẻ bảo hiểm y tế bị gián đoạn, không liên tục thời gian so với thẻ bảo hiểm y tế trước, khiến người dân phải chịu thiệt thòi trong thụ hưởng quyền lợi khám chữa bệnh.

Về vấn đề này, ông Danh Sành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành cho biết: Chúng tôi đã vận động gia đình người làm đại lý trả lại tiền cho người dân, đến nay đã khắc phục xong. Mặc dù số tiền thiệt hại không nhiều, số người bị ảnh hưởng cũng chưa lớn nhưng thông qua việc này báo động đến nhiều vấn đề khác, nhất là những bất cập vẫn còn tồn tại trong quy trình cấp phát thẻ bảo hiểm y tế như hiện nay, tạo kẽ hở cho tiêu cực và gây khó khăn, phiền hà cho người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Đùn đẩy trách nhiệm

Hiện nay, việc tổ chức bán bảo hiểm y tế tự nguyện tại tỉnh Kiên Giang vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trong khi mua các loại bảo hiểm khác thì dễ dàng, mau chóng còn mua bảo hiểm y tế thì lại gặp khó khăn, phiền hà.

Hiện nay, rất nhiều xã ở vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang có diện tích rộng, dân số lên đến hàng nghìn người, việc kết nối giữa các ấp còn khó khăn do hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, nhiều kênh rạch. Nhưng theo quy định, trên địa bàn mỗi xã chỉ có không quá 3 đại lý bán bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, thời gian hoàn thiện thủ tục cấp thẻ quá dài khiến người dân muốn mua thẻ bảo hiểm phải đi lại nhiều lần với quãng đường khá xa, điều này đã gây khó khăn cho công tác vận động người dân tham bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết: Xã chúng tôi có gần 9.000 dân, địa bàn 6 ấp, 49 tổ nhân dân tự quản nhưng đại lý bảo hiểm y tế còn rất mỏng so với địa bàn dân cư, chỉ được có 2 đại lý. Đề nghị thời gian tới cần tạo điều kiện cho mở đại lý bảo hiểm nhiều hơn, khoảng 4 đại lý nữa mới phù hợp với địa bàn của xã.

Bên cạnh đó, việc quản lý các đại lý bán bảo hiểm y tế hiện nay còn khá lỏng lẻo, chưa rõ ràng. Theo quy trình, đại lý bán bảo hiểm y tế phải do chính quyền địa phương giới thiệu, sau đó Phòng Bảo hiểm Xã hội cấp huyện làm hợp đồng với đại lý. Tuy nhiên, khi xảy ra khúc mắc trong quá trình thực hiện thì hầu như không đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Về việc các đại lý chiếm dụng tiền mua bảo hiểm y tế của người dân trong thời gian qua, ông Danh Sành, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành cho rằng: Phòng Bảo hiểm Xã hội hầu như không có sự phối hợp với địa phương trong việc quản lý các đại lý bán bảo hiểm y tế. Còn UBND thị trấn thì chỉ giới thiệu cán bộ theo đúng quy trình chứ không thể quản lý về chuyên môn của cán bộ đó. Ông Sành kết luận: "Việc này phải thuộc về trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội".

Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Văn Tính, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang thừa nhận thực tế có những bất cập như vừa nêu. Ông Tính cho biết, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đang nghiên cứu để có những thay đổi hợp lý trong quy định về số lượng đại lý ở các xã. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội để mở rộng hơn nữa việc vận động người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế .

Tuy nhiên khi đề cập về trách nhiệm đối với việc các đại lý chiếm dụng tiền mua bảo hiểm y tế của người dân, ông Thái Văn Tính cho rằng: Trước khi đại lý hoạt động, Bảo hiểm đã ký hợp đồng với UBND các xã, rồi UBND xã giới thiệu người của UBND xã làm đại lý. Nhưng có lẽ vai trò quản lý của UBND xã còn ở mức độ nên đã kiểm tra không hết, để các đại lý chiếm dụng tiền. Về số đại lý bán bảo hiểm y tế, theo quy định chúng tôi thực hiện từ 3-5 đại lý nhưng vừa qua các địa phương không quản lý hết nên họ mở có mức độ.

Trong khi các ngành chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, người dân vẫn phải chịu nhiều khó khăn, phiền hà khi tham gia bảo hiểm y tế. Thiết nghĩ, để vận động toàn dân tham gia bảo hiểm y tế, những trở ngại, bất cập trong quy trình tổ chức đại lý bán bảo hiểm y tế, thời gian cấp thẻ… cần được Bảo hiểm Xã hội tỉnh Kiên Giang xem xét điều chỉnh sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng những lợi ích do bảo hiểm y tế mang lại.

Theo Báo Tin tức

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục