Thu hồi tài sản không thành, nợ xấu của BIDV tăng chóng mặt

Tổng nợ xấu của BIDV trong nửa đầu năm ghi nhận đạt 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với hồi đầu năm, trong đó toàn bộ nợ từ nhóm 3 đến 5 có mức tăng trưởng quá nhanh.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - HoSE: BID) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với thu nhập lãi thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 13.807 tỷ đồng và 6.943 tỷ đồng.

Tuy lãi thuần có giảm 5,5% so với quý II năm ngoái nhưng lợi nhuận vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 7%. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của BIDV quý II/2023 đến từ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro (giảm 35%).

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ trích lập dự phòng rủi ro 6 tháng giảm tới 30%, giảm 4.118 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Theo BIDV, 6 tháng đầu năm nay ngân hàng chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng tín dụng theo mục tiêu, giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đạt mức tăng trưởng tốt.

Trong đó, lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối ghi nhận tăng trưởng 14,8% và 20,5% lần lượt mang về 3.189 tỷ đồng và 1.457 tỷ đồng. Riêng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lãi gần 180 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 67,8 tỷ đồng.

Thu hồi tài sản không thành, nợ xấu của BIDV tăng chóng mặt - Ảnh 1

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của BIDV trong nửa đầu năm ghi nhận đạt 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với hồi đầu năm, một nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) với gần 13.000 tỷ đồng, tăng 10%.

Ngoài ra, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) có diễn biến tăng nhanh, lên gấp 2,5 lần đến 7.729 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng tới 96%. Tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,59%.

Thời gian gần đây, BIDV đã rất nỗ lực xử lý nợ xấu, thậm chí chấp nhận mất hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là việc bán đấu giá lần thứ 17 khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật với tổng dư nợ của Thép Việt Nhật tính đến ngày 23/5/2022 là 447 tỷ đồng (dư nợ gốc là 194 tỷ đồng và dư nợ lãi là 253 tỷ đồng).

Trong lần thứ 17 rao bán đấu giá, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm chỉ hơn 114 tỷ đồng, không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác. Mức giá này giảm 26 tỷ đồng so với con số đưa ra hồi tháng 1/2023 và thấp hơn rất nhiều so với dư nợ gốc. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 2 bất động sản tại Hải Phòng.

Chất lượng nợ vay của BIDV (Nguồn: BCTC).

Chất lượng nợ vay của BIDV (Nguồn: BCTC).

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng mở rộng thêm 0,2% lên 2.124 triệu tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng đạt hơn 1.629 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm đạt hơn 1.545 triệu tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết trong cơ cấu tín dụng, tín dụng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,3%, tương ứng với tăng tuyệt đối 60.000 tỷ đồng. Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 7,2%.

     

Phạm Hồng Nhung

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục