Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng trưởng 29%

(Kinhdoanhnet) - “Đầu tư khách sạn nghỉ dưỡng ít rủi ro nhưng tiềm năng rất lớn. Hiện thị trường này tại Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong khi trong nước đang nổi lên nhiều nhà đầu tư lớn”.

Đây là nhận định của ông Robert Mclntosh, Giám đốc Bộ phận Khách sạn CBRE khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (văn phòng Sydney - Úc).

Bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng cao 

Theo ông Robert Mclntosh, xét trong bối cảnh của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế để trở thành một điểm đến du lịch qua công suất phòng ấn tượng tại TP.HCM (65%) và Hà Nội (75%) vào thời điểm tháng 6/2016. Đặc biệt, công suất phòng tại Hà Nội đã đạt mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cạnh tranh cả với Bangkok ở vị trí đầu bảng trong khu vực. Chỉ số giá phòng bình quân (ADR) và doanh thu phòng bình quân (REVPAR) của TP.HCM và Hà Nội trong năm 2015 đều đạt mức cao so với khu vực, cụ thể cao hơn Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakata (Indonesia).

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng trưởng 29% - Ảnh 1
Ông Robert Mclntosh, Giám đốc Bộ phận Khách sạn CBRE khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ về tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sáng nay 23-8 (Ảnh: Ngôn Dân).

Còn theo CBRE Việt Nam, sự ổn định của nền kinh tế, thể hiện qua giá vàng trong nước tăng lên hơn 35 triệu đồng một lượng, tỷ giá hối đoái ngoại tệ giảm xuống mức dưới 22.000 đồng trên 1 USD và 1.145 dự án mới đăng ký với tổng mức đầu tư nước ngoài lên tới 11,3 tỷ USD (tăng 105% theo năm) là chỗ dựa vững chắc cho du lịch Việt Nam nói chung và thị trường nghỉ dưỡng nói riêng có thêm cơ hội tăng trưởng và phát triển trong những năm tới.

Nhìn chung trong tương lai, thị trường nghỉ dưỡng của Việt Nam được trông đợi sẽ trở nên sôi động hơn nhờ vào sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế, cùng với hàng loạt các thắng cảnh tiềm năng cho du lịch nghỉ dưỡng cũng như các chính sách khuyến khích du lịch từ chính quyền địa phương, đặc biệt là về thắt chặt quy định an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ và nới lỏng chính sách thị thực.

Về thị trường khách sạn, các đơn vị quản lý khách sạn danh tiếng trên thế giới như Accor, IHG, Marriott, Hilton và Starwood đang tiếp tục nhắm tới Việt Nam. Trong nước, một số dự án có quy mô từ các chủ đầu tư lớn như Vingroup và Sun Group cũng góp phần xây dựng và phát triển các cụm du lịch ở các thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) và mới đây là Phú Quốc (Kiên Giang) với gần 200 dự án được cấp phép trong năm 2015. Các chuỗi khách sạn và đơn vị quản lý khách sạn nổi tiếng như Wyndham, Holiday Inn và Pan Pacific cũng đang gia nhập thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, ông Robert Mclntosh cho rằng, tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường khách sạn Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng. 

Qua đó, ông Robert Mclntosh dự báo, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, đặc biệt là mảng khách sạn có thể tăng trưởng 29%/năm tại những khu nghỉ dưỡng ven biển. Riêng Hà Nội và TP.HCM sẽ có mức tăng trưởng tương ứng 15% và 8%.

Nhộn nhịp xây dựng, mua bán

TP.HCM đang nhộn nhịp với các giao dịch mua bán khách sạn và sự gia nhập của một vài nhà đầu tư mới, trong đó đáng chú ý là việc khách sạn Duxton Hotel Saigon ở Quận 1 được chuyển nhượng và đổi tên thành Saigon Prince. Trong khi đó, khách sạn Holiday Inn & Suites Airport đang được xây dựng, còn khách sạn 4 sao Bay Hotel trên đường Ngô Văn Nam (Quận 1) sắp đi vào hoạt động.

Tại Nha Trang, cũng chứng kiến giai đoạn 2 của dự án Cam Ranh Riviera Beach & Resort đi vào khởi công. Còn tại Hà Nội, mảng khách sạn 5 sao vẫn tiếp tục hoạt động ổn định sau khi đạt công suất phòng trung bình 75%. Trong khi đó, việc Novotel Suites Hanoi đi vào hoạt động làm tăng tổng cung của mảng khách sạn 4 sao lên 6,1% theo quý. Ở Đà Nẵng, chỉ số giá phòng bình quân (ADR) trong quý 2/2016 của khách sạn 4 sao và 5 sao tăng tương ứng 14,8% và 2,9% theo năm. Công suất của hai mảng này cũng tăng tương ứng 2,1% và 1,4% trong quý.

Trong tương lai, thị trường khách sạn Việt Nam sẽ chứng kiến sự sôi động của mảng khách sạn và resort 5 sao với mức tăng trưởng nhảy vọt do có thêm nhiều khách sạn 5 sao được trông đợi sẽ mở cửa ở TP.HCM cho đến năm 2017. Trong khi đó, Hà Nội dự kiến đón gần 1.000 phòng khách sạn 5 sao từ một số dự án như Landmark 72 (vào cuối năm 2016), Văn Miếu Mercure Hotel (đang được xây dựng), Vietinbank Tower và Hilton Hanoi Westlake (dự kiến mở cửa trong 2 năm tới). Ngoài ra, Tập đoàn Starwood cũng dự kiến mở thêm 6 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới trải dọc Việt Nam trong giai đoạn từ 2016 đến 2019.

Ngôn Dân

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục