Theo tờ Business Insider, thế giới đang trải qua một cuộc "đại khủng hoảng lao động" (The Great Resignation hay The Big Quit) khi làn sóng ồ ạt nghỉ việc diễn ra. Số liệu của Bộ thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy có đến 4 triệu người nghỉ việc trong tháng 7/2021, tương đương gần 2,8% tổng lực lượng lao động và là mức cao nhất 20 năm qua.
Trên thực tế, hàng triệu lao động Mỹ đã bỏ việc trong vài tháng qua sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Tính đến cuối tháng 7/2021, khoảng 10,9 triệu việc làm đã đăng tuyển dụng ở Mỹ, một con số kỷ lục chưa từng có, qua đó cho thấy làn sóng nghỉ việc nghiêm trọng đến mức nào.
Số người bỏ việc gia tăng khiến lượng tuyển dụng đi lên đột biến tại Mỹ (triệu người).
Xin được nhắc là trong khoảng tháng 12/2000 đến đầu năm 2020 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ nghỉ việc ở Mỹ không bao giờ vượt quá 2,4% tổng lực lượng lao động. Nguyên nhân chính là do công việc trả lương tốt, nền kinh tế ổn định về dài hạn và sự tin tưởng của người dân với sự nghiệp của mình.
Vậy chuyện gì đang diễn ra khi nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại và mọi người có cơ hội đi làm sau quãng ngày dài phải ở nhà, thế nhưng họ lại quyết định nghỉ việc hàng loạt?
Cân bằng cuộc sống
Trào lưu nghỉ việc ồ ạt bắt đầu từ mùa thu năm 2021 đến hiện tại. Thuật ngữ "The Great Resignation" được sử dụng lần đầu bởi giáo sư Anthony Klotz của trường đại học A&M Texas ám chỉ việc lượng người nghỉ việc tại Mỹ ngày một nhiều.
Theo Business Insider, các lao động hiện nay, đặc biệt là trong ngành công nghệ và y tế không còn cảm thấy giá trị của công việc nữa. Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tiền lương mà còn liên quan đến sự cân bằng cuộc sống.
"Đại dịch đã khiến mọi người có suy nghĩ thấu đáo hơn về giá trị cuộc sống. Ý tưởng cứ chăm chỉ làm việc xây dựng sự nghiệp và thành công sẽ đến đã không còn thịnh hành nữa", CEO Jerome Ternynck của ứng dụng tuyển lao động SmartRecruiters nhận định.
Thật vậy, việc các công ty dồn nén công việc cho các lao động làm ở nhà, đặc biệt là trong ngành công nghệ, y tế đã khiến rất nhiều người bị stress sau đại dịch. Cái mác "làm việc ở nhà" đôi khi khiến nhân viên chịu giám sát nhiều hơn, họp hành bất kể giờ giấc trong khi họ còn phải lo thêm cả việc nhà.
Khảo sát của Microsoft cho thấy 41% lao động trên thế giới đang nghĩ đến chuyện bỏ việc sau đại dịch. Hãng tin CNBC thì cho biết 55% người Mỹ muốn chuyển công tác hoặc nghỉ ngơi một thời gian sau quãng thời gian quá căng thẳng vì "làm việc ở nhà".
Đồng quan điểm, nghiên cứu của McKinsey cho thấy 40% lao động trên thế giới sẽ bỏ việc trong vòng 3-6 tháng tới. Khoảng 2/3 trong số những người được hỏi cho biết họ sẽ nghỉ ngơi một thời gian chứ không xin việc khác.
Báo cáo của McKinsey cho thấy phần lớn nhân viên nghỉ việc chẳng phải vì tiền mà do họ không còn cảm thấy hứng thú với công việc nữa. Rất nhiều nhân viên đã bỏ việc để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống sau quãng thời gian quá tải.
Việc phải ở nhà dài ngày nhưng không có thời gian cho gia đình hay làm những điều mình thích đã khiến một bộ phận lao động nhận ra họ đã bỏ lỡ điều gì khi cắm đầu vào làm việc và họp hành.
Tìm kiếm cơ hội tốt hơn
Tờ Business Insider cho biết một yếu tố nữa khiến người nghỉ việc gia tăng sau đại dịch là do sự bùng nổ của thị trường lao động. Thị trường trở nên khan hiếm lao động sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại do hàng loạt nhân viên vẫn bị giãn cách hay trở về quê chưa trở lại được.
Hệ quả là hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp thiếu hụt lao động, tạo cơ hội cho mọi người chuyển việc với mức đãi ngộ tốt hơn.
Một cuộc khảo sát cho thấy cứ 4 người Mỹ thì có 1 người chuyển việc sang công ty mới và khoảng 26% số lao động có mức lương cao hơn ít nhất 10% so với trước đại dịch.
Lao động bỏ việc để tìm lối thoát cho tình trạng quá stress và chán nản.
Trong khi đó, nghiên cứu của Bankrate công bố vào tháng 8/2021 cho thấy trào lưu làm ở nhà khiến mọi người có cơ hội làm việc tự do thời gian hơn nhưng cũng khiến họ dễ dàng tiếp xúc được với nhiều nguồn tuyển dụng hơn qua thiết bị công nghệ.
Hãng tin CNBC thì cho hay đại dịch khiến nhiều người thích làm việc tự do về thời gian hơn. Khảo sát cho thấy khoảng 56% lao động Mỹ ưu tiên yếu tố tự do, thoải mái lên hàng đầu, sau đó mới là mức lương và độ ổn định của công việc.
Thậm chí kể cả với những lao động thu nhập thấp, khoảng 52% người được hỏi cũng đặt yếu tố tự do thoải mái lên trước mức lương khi tìm việc sau đại dịch.
*Nguồn: Business Insider, CNBC, The Guardian
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết