Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Do đó, người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và cảm cúm. Tuy nhiên, do không cẩn trọng và thiếu hiểu biết nên không ít ca bị ngộ độc.
Paracetamol có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn trên gan (Ảnh minh họa)
Như trường hợp bà Nguyễn Thị H. (Yên Bái, 75 tuổi) bị áp-xe gan, đã điều trị và hút dịch tại bệnh viện. Khi bệnh tạm ổn, bà được điều trị ngoại trú. 15 ngày sau, khi vẫn đang điều trị bệnh gan thì bà lại bị cảm cúm. Gia đình cho bà dùng 2 liều thuốc chữa cảm cúm chứa paracetamol. Ngày hôm sau, bà có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn liên tục, chán ăn, ăn gì cũng muốn nôn... và được đưa đi cấp cứu.
Sau khi làm các xét nghiệm về chức năng gan, bà H. được bác sĩ chẩn đoán: ngoài bệnh áp-xe gan chưa ổn định, bà còn bị viêm gan cấp do paracetamol khiến chỉ số men gan của bà lên cao hơn rất nhiều lần so với bình thường. Các chỉ số về chức năng khác của gan đều rối loạn; kết quả siêu âm gan của bà H. cho thấy có hiện tượng nhu mô gan không đồng đều. Bà phải điều trị tích cực. 1 tuần sau đó, các chỉ số mới hạ thấp dần về mức an toàn, chức năng gan đã có dấu hiệu hồi phục…
PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc - nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn (nếu dùng đúng liều chỉ định). Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa thành nhiều chất, trong đó có chất N-acetylbenzoquinonimin rất độc cho gan. Khi lượng paracetamol vượt ngưỡng chịu đựng của gan, chất độc hại cho gan tăng lên gây nguy hiểm cho gan. Đặc biệt những trường hợp chức năng gan yếu (suy gan, nghiện rượu, người cao tuổi…) có nguy cơ gặp độc tính cao hơn.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì cho biết, mỗi năm Trung tâm chống độc tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol, trong đó có trường hợp do dùng thuốc quá liều, còn lại là bệnh nhân uống thuốc với mục đích tự tử. "Đây là loại ngộ độc thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, khi việc quản lý thuốc còn lỏng lẻo và kiến thức của người dân về an toàn dùng thuốc còn thiếu", ông Duệ nói.
Ông Duệ cho biết thêm, hiện có hàng trăm biệt dược, có loại chỉ chứa paracetamol nhưng cũng có loại phối hợp với một hoặc vài dược chất khác. Trong đó, biệt dược có thêm thành phần phenobarbital sẽ làm tăng độc tính của paracetamol với gan; những chế phẩm có thêm thành phần phenylpropanolamin, phenylephrin thì không nên dùng cho người có bệnh cường giáp, huyết áp cao, đau thắt ngực, huyết khối, mạch vành, đái tháo đường, tiền sử tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó, loại thuốc này còn có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... với hàm lượng khác nhau, từ 80 mg, 150 mg, 250 mg... đến 500 mg.
Đặc biệt, phần lớn người dân có thói quen tự dùng thuốc nên làm tăng nguy cơ quá liều không chủ đích (do dùng đồng thời nhiều chế phẩm cùng chứa paracetamol). Thậm chí ngộ độc vì kết hợp với những loại thuốc có tương tác bất lợi với paracetamol.
Ba nguyên tắc đề phòng ngộ độc:
Theo TS-DS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TPHCM), người dùng nên ghi nhớ 3 nguyên tắc dưới đây để tránh những tác dụng không mong muốn khi dùng paracetamol:
1. Không dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em (ở người lớn không quá 10 ngày), trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
2. Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10 - 15 mg/kg cân nặng, ngày uống 3 - 4 lần và liều tối đa cho trẻ là không quá 60 mg/kg/ngày. Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500 mg - 1.000 mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3 g trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém.
3. Người thường xuyên uống rượu không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc gọi là “để ngừa nhức đầu, để uống rượu nhiều không say” (!). Paracetamol và rượu đều có hại gan, sự kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.
Hoài Anh (Theo SK&ĐS, Vnexpress, NLĐ)