Tham vọng trở thành thế lực tài chính lớn của tập đoàn Apple

Tập đoàn Apple đang ấp ủ tham vọng trở thành một thế lực tài chính lớn và trở nên độc lập hơn trong việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tài chính.

Tập đoàn Apple đang phát triển công nghệ xử lý thanh toán và hạ tầng riêng cho các sản phẩm tài chính trong tương lai. Đây là một phần tham vọng của Apple trong nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài theo thời gian, Bloomberg dẫn lời một nguồn tin cho hay.

Nguồn tin nói rằng kế hoạch sẽ giúp tập đoàn Apple làm chủ nhiều quy trình liên quan đến dịch vụ tài chính - bao gồm việc xử lý thanh toán, quản trị rủi ro cho dịch vụ tín dụng, phân tích hành vi lừa đảo, kiểm tra lịch sử tín dụng và một số dịch vụ khách hàng gia tăng như xử lý tranh chấp. Kế hoạch sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Nỗ lực của tập đoàn Apple sẽ hướng đến các sản phẩm tương lai thay vì các sản phẩm hiện tại. Dù vậy, thông tin mới khiến giá cổ phiếu của CoreCard Corp. và Green Dot Corp, 2 đối tác hiện tại của Apple, giảm hơn 10% vào hôm 30/3. Giá cổ phiếu của Goldman Sachs, một đối tác chính khác của Apple, cũng giảm 1,2%.

Chiến lược mới của Apple sẽ biến "Táo khuyết" thành một thế lực lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Hiện tại, Apple đã có khá nhiều sản phẩm liên quan đến tài chính như thẻ tín dụng, dịch vụ thanh toán ngang hàng, ứng dụng Wallet và hạ tầng cho phép các nhà bán hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng từ iPhone. Apple cũng đang phát triển dịch vụ đăng ký sử dụng các thiết bị phần cứng và tính năng “mua trước, trả sau” cho các giao dịch trên Apple Pay.

Nội bộ tập đoàn Apple gọi dự án là “Breakout”, ám chỉ việc Apple muốn thoát khỏi hệ thống tài chính hiện tại. Ban lãnh đạo Apple từ chối chia sẻ về thông tin mà Bloomberg công bố.

Tham vọng trở thành thế lực tài chính lớn của tập đoàn Apple - Ảnh 1

Apple Card đang dùng CoreCord, công nghệ xử lý có chức năng giám sát quá trình gửi chi tiết giao dịch đến ngân hàng để phê duyệt. Thẻ tín dụng của Apple cũng hợp tác với Goldman Sachs để thực hiện các chức năng khác như cho vay, dịch vụ khách hàng, kiểm tra tín dụng, xử lý giao dịch và lịch sử thanh toán. Nhiều khả năng các đối tác sẽ tiếp tục hợp tác với Apple đối với các sản phẩm hiện tại.

Mục tiêu không dễ dàng

Dự án của Apple là bước tiến lớn nhất của tập đoàn vào thế giới tài chính song đây sẽ không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Một số công ty công nghệ khác như Meta hay Alphabet từng có những tham vọng lớn ở mảng tài chính song phải thu hẹp quy mô sau đó. Cụ thể, Facebook (Meta) từng muốn tạo một đồng tiền điện tử riêng, trong khi đó Google muốn cung cấp dịch vụ tài khoản ngân hàng.

Dù vậy, Apple có lợi thế đi trước ở mảng dịch vụ thanh toán. Ra mắt vào năm 2014, Apple Pay đóng vai trò quan trọng trong mảng kinh doanh dịch vụ của Apple. Hiện tại, mảng dịch vụ đang mang về khoảng 70 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Dịch vụ tài chính gia tăng sự gắn kết của người dùng đối với iPhone, đồng thời trực tiếp mang lại doanh thu từ lãi và phí. Đây là lý do vì sao Apple muốn kiểm soát dịch vụ tài chính cao hơn. Bằng cách này, Apple có thể ra mắt các dịch vụ nhanh hơn và có thể tăng doanh thu.

Bên cạnh đó, nó còn có thể giúp Apple mở rộng được dịch vụ ra nhiều quốc gia. Mặc dù Apple Pay đang hiện diện ở hơn 70 quốc gia, các dịch vụ như Apple Card, thanh toán ngang hàng hay Apple Cash Card mới chỉ vận hành ở Mỹ. Các đối tác như CoreCard và Green Dot chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ và điều này giới hạn tăng trưởng của Apple.

Tuần trước, Apple thâu tóm Credit Kudos Ltd, một công ty khởi nghiệp ở Anh. Credit Kudos Ltd sử dụng dữ liệu ngân hàng để đưa ra các quyết định cho vay. Nhiều khả năng Apple sẽ tận dụng công nghệ của Credit Kudos để xây dựng hạ tầng tài chính của chính mình.

Sản phẩm đầu tiên có thể ứng dụng hạ tầng mới là tính năng “mua trước, trả sau” Apple sắp ra mắt. Bên trong Apple, tính năng này đang được biết đến với tên gọi “Apple Pay Later”. Sản phẩm này sẽ có 2 tính năng: “Apple Pay in 4” cho các khoản thanh toán trả góp ngắn hạn, chia làm 4 lần và “Apple Pay Monthly Installments” cho các khoản thanh toàn dài hơn và có thu lãi.

Ban lãnh đạo Apple đang thảo luận việc sử dụng công nghệ của họ với “Apple Pay in 4”, đồng thời tiếp tục hợp tác với Goldman Sachs ở các gói thanh toán trả góp dài hạn. Apple cũng có thể sẽ hợp tác với các đối tác khác, bên cạnh Goldman Sachs, để có thể đưa ra các mức lãi suất khác nhau cho người dùng.

Theo Bloomberg, mặc dù Apple đang tích cực phát triển các công nghệ nói trên, hãng này cũng đang gặp phải một số rắc rối khiến kế hoạch bị trì hoãn hoặc thậm chí huỷ bỏ.

Bên cạnh công nghệ, Apple thậm chí còn muốn trở thành đơn vị trực tiếp cho vay đối với một số dịch vụ đơn giản. Điều này hoàn toàn khả năng với năng lực tài chính của hãng này. Dù vậy, nếu trực tiếp cho vay, Apple nhiều khả năng sẽ tập trung vào các giao dịch giá trị thấp và nhắm đến đối tượng người dùng có lịch sử tín dụng tốt.

Nhã Vy

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục