Tham gia TPP, nhà nước có thể bị doanh nghiệp khởi kiện nếu làm sai

(Kinhdoanhnet) - Khi tham gia TPP, về giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ tại trọng tài quốc tế, tuy nhiên nhà đầu tư khởi kiện không căn cứ sẽ bị phạt.

Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA Thế hệ mới”, ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với cam kết mở cửa thị trường, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, không phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài thì có thể nói Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có cam kết khá sâu rộng.

Theo đó, các nước cam kết xóa bỏ yêu cầu điều kiện đặt ra cho nhà đầu tư như không bắt nhà đầu tư chuyển giao công nghệ, không bắt nhà đầu tư phải sử dụng công nghệ nào đó hoặc phải thỏa thuận hợp đồng “Li-xăng” theo thời hạn và mức phí cụ thể… Các nước cũng xóa bỏ yêu cầu, điều kiện đầu tư như xóa bỏ về hạn chế thị trường…

Tham gia TPP, nhà nước có thể bị doanh nghiệp khởi kiện nếu làm sai - Ảnh 1
Vào TPP, doanh nghiệp được khởi kiện Chính phủ ra trọng tài quốc tế. Ảnh minh họa

Đặc biệt, với những hiệp định tự do trước đây, nếu có sai phạm nhà nước cũng không bị kiện. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi TPP được áp dụng. “Cơ chế nhà nước kiện nhà nước và cơ chế nhà đầu tư kiện nhà nước khi xảy ra vi phạm” có cam kết trong TPP. Do đó, đây là thách thức và rủi ro rất lớn cho DN Việt Nam, ông nhấn mạnh.

Với cam kết này, nhà đầu tư được khởi kiện Chính phủ tại trọng tài quốc tế, tuy nhiên nhà đầu tư khởi kiện không căn cứ sẽ bị phạt.

Ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết về phạm vi và mức độ cam kết trong TPP, quy định này sẽ cho phép doanh nghiệp kiện từ giai đoạn đăng ký đầu tư và được áp dụng đối với các hợp đồng đầu tư.

Nội dung sẽ được minh bạch hóa từ thủ tục giải quyết tranh chấp, xét xử công khai và cho phép sự tham gia của 3 bên, ông Phương cho biết.

Ông Hoàng Mạnh Phương cũng khẳng định đây được xem là cam kết quan trọng và hoàn toàn mới, nhất là đối với các nước trong khối ASEAN. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do ASEAN và 5 hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia – New Zealand; 2 hiệp định song phương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Chile).

Có 2 hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực là hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc , Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu; 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, những hiệp định này là cơ hội cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Một khi các hiệp định được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hoá giữa các nước với nhau. Hàng hoá theo đó cũng dồi dào, phong phú đặc sắc hơn, tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước được tiếp cận với những sản phẩm có chất lượng cao. Song song với đó, hàng hoá Việt Nam cũng có cơ hội được xuất khẩu nhiều hơn ra thế giới.

Thu Trang (Theo Dân trí, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục