Trong số 190 quốc gia trên có cả UAE, Vương quốc Anh, Trung Quốc và Singapore. Giới chức Thái Lan hy vọng nếu phát hiện tung tích bà Yingluck thì có thể yêu cầu nước sở tại dẫn độ về nước.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters
Ngày 28/8, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đã lên tiếng về sự biến mất của bà Yingluck. Ông bác bỏ mọi cáo buộc về việc nhà chức trách tiếp tay cho cựu thủ tướng và giải thích rằng đây là “sơ hở” của cơ quan an ninh.
Ông Prayut nói: “Đúng là cơ quan an ninh bám sát bà Yingluck từng giây từng phút nhưng không thể kìm kẹp bà ấy suốt cả ngày. Bà Yingluck từng là thủ tướng, vì vậy chúng tôi phải giữ thể diện cho bà ấy và tôn trọng sự riêng tư trong sinh hoạt hằng ngày trong khi bà vẫn chưa bị kết án. Tôi đã lệnh cho điều tra xem xảy ra sơ hở ở khâu nào và sẽ xử lý những người có trách nhiệm”.
Ông Apichart Suriboonya, người đứng đầu cơ quan phụ trách đối ngoại của cảnh sát Thái Lan, cho biết ngay sau khi có tin đồn rằng bà Yingluck đã chạy qua Campuchia, cảnh sát nước này đã liên hệ với nước láng giềng. Tuy nhiên, cảnh sát Campuchia khẳng định không có ghi nhận nào cho thấy bà Yingluck đã nhập cảnh vào đây.
Liên quan đến đồn đoán cho rằng bà Yingluck đang ở Dubai, ông Apichart cho biết, cảnh sát Thái Lan sẽ liên hệ với cảnh sát Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) để xác nhận.
Bà Yingluck được cho là chạy khỏi Thái Lan vài ngày trước khi diễn ra phiên tòa luận tội vào sáng 25/8. Tin truyền thông nói rằng, bà có thể đã chạy sang Dubai để đoàn tụ với anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Bà Yingluck bị cáo buộc sai phạm trong chương trình trợ giá lúa gạo khi còn đương chức Thủ tướng, gây thiệt hại ước tính 8 tỷ USD cho chính phủ Thái Lan. Tuy nhiên, bà Yingluck đã bác bỏ cáo buộc này.
Phương Anh