Cục Thuế Thái Bình vừa thông báo công khai danh sách 105 tổ chức, doanh nghiệp do văn phòng Cục Thuế quản lý nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, với tổng số tiền nợ trên 2.136 tỷ đồng.
Theo danh sách vừa công khai, đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà nợ trên 1.709 tỷ đồng, số nợ của doanh nghiệp này chiếm gần 2/3 trong tổng số nợ vừa công khai. Thứ hai là Công ty CP Tập đoàn Hương Sen nợ trên 237,7 tỷ đồng.
Được biết, hai doanh nghiệp nợ thuế khủng này còn thuộc top các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong năm 2021, trong đó: năm 2021, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà nộp ngân sách trên 2.500 tỷ đồng, còn Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen nộp ngân sách nhà nước trên 300 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có, Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Phú Hoàng Phát nợ trên 39,8 tỷ đồng; Công ty TNHH vận tải biển Ngọc Hiếu nợ trên 29,3 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn nợ trên 28,6 tỷ đồng; Ban điều hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nợ trên 18,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải biển Anh Tú nợ trên 12,1 tỷ đồng;
Tiếp đến, chi nhánh Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Phú Hoàng Phát nợ trên 8,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần ô tô An Thái Coneco nợ trên 8,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Hồng nợ trên 5,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Datex nợ trên 4,6 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư xây dựng Cường Phượng nợ trên 4,4 tỷ đồng…
Về Tập đoàn Hương Sen, doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 18, Trần Thái Tông, Phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, Tỉnh Thái Bình với GPKD số 1000214733 cấp ngày 20/1/1992 tại Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình.
Hương Sen được biết đến là tập đoàn tư nhân lớn tại Thái Bình với thương hiệu chủ lực Bia Đại Việt và doanh nhân kỳ cựu Trần Văn Sen. Đi lên từ nghề dệt nhuộm truyền thống của địa phương nhưng Tập đoàn Hương Sen không giấu diếm tham vọng lấn sân sang các lĩnh vực bao bì, bất động sản, đầu tư tài chính khi xây dựng một hệ sinh thái các công ty con. Như Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thương mại Toàn cầu Hương Sen (hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu), Công ty Cổ phần Pushmax (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ uống), Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hương Sen – Đại Việt (sản xuất bia), Công ty TNHH Đông A (kinh doanh bất động sản và nhà hàng khách sạn),..
Theo dữ liệu có được, giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Hương Sen (công ty mẹ) luôn duy trì trên mức 800 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2017 với 996,7 tỷ đồng. Tuy nhiên hiệu quả kinh doanh lại là vấn đề đáng bàn khi công ty liên tục ghi nhận lỗ thuần, trong đó năm 2019 lỗ 3,5 tỷ đồng, nợ phải trả đã lên đến 665 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.
Hiệu quả hoạt động chưa cao là thực trạng chung của hệ sinh thái Hương Sen. Ngoại trừ Bao bì Hương Sen, thì phần lớn các thành viên Tập đoàn Hương Sen đều thua lỗ nhiều năm, thậm chí có đơn vị lỗ âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng như Long Hưng; tới cuối năm 2019, công ty này âm vốn chủ sở hữu ở mức 131,4 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu nợ thuế trong năm 2022, ngoài việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thì công tác xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội hiện đang được toàn ngành Thuế triển khai tích cực.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2022 cho từng cục thuế. Các cục thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, cá nhân, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ ngành Thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 31/8/2022 là 134.097 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thời điểm ngày 31/7/2022, tăng 13,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Từ nay đến cuối năm, ngoài việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thì công tác xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước cũng đang được toàn ngành Thuế triển khai tích cực.