Tiền phong đưa tin, UBND tỉnh Ninh Bình mới đây nhận được văn bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện về việc đề nghị đầu tư dự án tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn và dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long.
Về việc này, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; UBND các huyện: Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện; xem xét, tham mưu đề xuất báo cáo UBND tỉnh.
Theo văn bản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện gửi UBND tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn đề nghị được khảo sát đầu tư dự án tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm.
Vị trí khảo sát đầu tư tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn. Diện tích khảo sát là 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước; Tổng mức đầu tư dự án được tính toán cụ thể sau khi có kết quả khảo sát. Giá trị khảo sát dự kiến là 300 tỷ đồng.
Qua nghiên cứu, Tập đoàn nhận thấy khu vực biển Kim Sơn đang có quỹ đất phát triển công nghiệp, có vị trí kết nối thuận Lợi với khu vực biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (đã được quy hoạch xây dựng KKT Ninh Cơ), nơi có cảng nước sâu và các nhà máy công nghiệp lớn, phù hợp để phát triển ngành công nghiệp dầu khí.
Tập đoàn Xuân Thiện mong muốn được đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu tại huyện Kim Sơn để tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín phục vụ cho Tổ hợp thép xanh đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Thường trường, Tập đoàn Xuân Thiện được biết đến là doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Thiện chính là anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), và là con trai cả trong gia đình Xuân Thành – doanh nghiệp nổi tiếng đất Ninh Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tập đoàn Xuân Thiện được thành lập năm 2000. Từ năm 2014, Xuân Thiện bất ngờ nổi lên khi trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất quân đầu tư thủy điện vào Cameroon (Châu Phi).
Xuân Thiện thông qua nhiều công ty thành viên tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất điện và cả xi măng - lĩnh vực truyền thông của Tập đoàn mẹ Xuân Thành - nay được đổi tên là Thai Goup. Cùng với đó, Xuân Thiện Group còn được Thai Group giao nhiệm vụ đầu tư ra nước ngoài các dự án thủy điện, xi măng và khách sạn nghỉ dưỡng.
Xuân Thiện có vốn điều lệ đăng ký lên tới 6.000 tỷ đồng, theo đó 70% thuộc về ông Thiện, 30% còn lại là của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, hai người có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu. Trước đó, ông Thiện từng có thời gian sở hữu gần 96% công ty này. Ông Thiện trực tiếp đứng tên và nắm lượng lớn cổ phần ở nhiều doanh nghiệp thành viên trong ‘hệ sinh thái’ Xuân Thiện Group. Nếu cộng dồn, lượng cổ phần mà ông Thiện đứng tên có giá trị trên giấy tờ lên tới 19.339 tỷ đồng.
Về lĩnh vực đầu tư năng lượng, Xuân Thiện phát triển mảng thủy điện và điện mặt trời. Dự án Thủy điện đầu tiên được đầu tư là Thủy điện Suối Sập 1 đã hoàn thành dự án và đưa vào phát điện thành công trong năm 2011.
Tiếp bước thành công đó, Tập đoàn nhanh chóng triển khai đầu tư hàng loạt các Cụm dự án thủy điện có quy mô với công nghệ hiện đại và bền vững như Cụm thủy điện Suối Sập, Cụm thủy điện Háng Đồng (với tổng công suất 125 MW) tại tỉnh Sơn La; Cụm thủy điện Khao Mang (tổng công suất 145MW) tại tỉnh Yên Bái và Cụm thủy điện Sông Lô 3,5,6 (tổng công suất 130 MW) tại tỉnh Hà Giang. Sau hơn 20 năm hình thành, Tập đoàn Xuân Thiện đã phát triển mạnh mẽ với gần 20 dự án Thủy điện đã đi vào hoạt động cho hiệu quả cao, tổng công suất các nhà máy lên đến 400 MW.
Pháp nhân chính của Xuân Thiện Group là Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Xuân Thiện, khu đô thị Xuân Thành, TP. Ninh Bình. Đây là công ty mẹ của hàng loạt công ty thành viên có vốn lên tới cả chục nghìn tỷ, tuy nhiên kết quả kinh doanh của Xuân Thiện Ninh Bình những năm gần đây không mấy khả quan.
Doanh thu thuần của Xuân Thiện Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020 lần lượt ghi nhận ở mức 1.377 tỷ đồng, 573,2 tỷ đồng, 1.491 tỷ đồng, 958,4 tỷ đồng và 1.093 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 0,038%, 0,12%, 0,04%, 0,05% và 0,04%. Lợi nhuận ròng theo các năm lần lượt là 412 triệu đồng (2016), 176 triệu đồng (2017), 185 triệu đồng (2018), 214 triệu đồng (2019) và -2,6 tỷ đồng (2020). Năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lên đến -22,6 tỷ đồng.