Tập đoàn Phúc Sơn: Doanh thu nhỏ giọt, dư nợ khủng

Năm 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Sơn chỉ đạt 84,7 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Nợ phải trả của Tập đoàn này gần 6.000 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Theo trithuccuocsong cho biết, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) liên quan đến việc “xẻ” bán các khu đất vàng tại sân bay Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa giao hoàn vốn không qua đấu giá, đấu thầu để thực hiện các dự án BT giao thông (xây dựng - chuyển giao), có trụ sở chính tại xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Tính đến ngày 23/10/2018, Tập đoàn Phúc Sơn có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Văn Hậu (nắm giữ 99% vốn điều lệ), bà Ngô Thị Thanh Nhàn (nắm giữ 0,75% vốn điều lệ) và ông Nguyễn Thanh Tùng (nắm giữ 0,25% vốn điều lệ). Ngoài vai trò cổ đông lớn nhất, ông Hậu đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn.

Về tình hình kinh doanh, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Sơn lần lượt đạt 516,4 tỷ đồng và 468,3 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận thuần lần lượt ở mức 3,7 tỷ đồng và 37,58 tỷ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Sơn chỉ đạt 84,7 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần chỉ ở mức 80 triệu đồng, trong khi năm 2018 lãi thuần 214 triệu đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn đạt 7.822 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi vốn chủ sở hữu chỉ tăng nhẹ từ 1.504,6 tỷ đồng lên đạt 2.001,7 tỷ đồng. Nợ phải trả của Tập đoàn này gần 6.000 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Theo Nhà đầu tư, trong số các thành viên của Tập đoàn Phúc Sơn như Công ty TNHH MTV Xây dựng Phúc Sơn 7, Công ty TNHH MTV Đầu tư bất động sản Phúc Sơn, Công ty TNHH MTV Xây dựng Phúc Sơn 9, Công ty CP Khoáng sản Năng lượng Vân Phong, thì hầu hết đã giải thể, chỉ có Khoáng sản Năng lượng Vân Phong vẫn đang hoạt động.

Khoáng sản Năng lượng Vân Phong được thành lập vào ngày 19/4/2017, có vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Phúc Sơn sở hữu 80% vốn. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Võ Hồng Đức (10%) và bà Âu Huyền Thu (10%).

Tính đến tháng 12/2019, các vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật Công ty do ông Võ Hồng Đức đảm nhiệm.

Từ khi thành lập, Khoáng sản Năng lượng Vân Phong (Công ty mẹ) chỉ báo lãi duy nhất năm 2018, với doanh thu thuần và lãi thuần lần lượt đạt 82,9 tỷ đồng và 75,5 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2017 và 2019, doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu, và ghi nhận lỗ thuần lần lượt 700 triệu đồng và 3 triệu đồng.

Thành Nam (T/h)

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục