Tập đoàn PC1 dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 1.200 tỷ đồng

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 1.200 tỷ của Tập đoàn PC1 là cổ phiếu PC1 thuộc sở hữu của bên thứ 3, với tỷ lệ tài sản đảm bảo trên tổng giá trị phát hành là 150%.

Mới đây, HĐQT CTCP Tập Đoàn PC1 (MCK: PC1, sàn HoSE) công bố thông tin bất thường trong đó có Nghị quyết số 13/NQ-PC1-HĐQT về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động là 1.200 tỷ đồng trong năm 2022.

Tập đoàn PC1 dùng cổ phiếu để đảm bảo cho lô trái phiếu 1.200 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Tập đoàn PC1 dùng cổ phiếu để đảm bảo cho lô trái phiếu 1.200 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cụ thể, PC1 phát hành 12.000 trái phiếu mệnh giá 100 triệu đồng, được chia làm 2 đợt phát hành. Trong đó, đợt 1 là từ tháng 3 - 4/2022, với khối lượng 3.000 trái phiếu. 9.000 trái phiếu còn lại được phát hành vào đợt 2 diễn ra trong tháng 5 - 6/2022. Đại lý phát hành là CTCK Bản Việt (MCK: VCI, sàn HoSE).

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý theo hình thức bút toán ghi sổ. Kỳ hạn trái phiếu là 5 năm, được áp dụng lãi suất cố định 10%/năm trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ còn lại được tính bằng tổng của 3,5% và lãi suất tham chiếu nhưng không thấp hơn 10%/năm.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu nói trên là cổ phiếu PC1 thuộc sở hữu của bên thứ 3 (cổ phần được cầm cố), với tỷ lệ tài sản đảm bảo trên tổng giá trị phát hành là 150%, và mức duy trì tối thiểu 120%. Trong trường hợp tỷ lệ giảm xuống thấp hơn, PC1 hoặc bên cầm cố phải bổ sung tài sản để bù đắp.

Được biết, số tiền thu về từ đợt phát hành nói trên được PC1 sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực phát triển bất động sản khu công nghiệp, thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần của CTCP Western Pacific (khoảng hơn 1.100 tỷ đồng). Phần còn lại, 90 tỷ đồng dùng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty.

Trên thực tế, phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ nói trên đã được thực hiện trong năm 2022. Doanh nghiệp đã công bố thông tin tại chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp của HNX, nhưng lại chưa công bố trong vòng 24 giờ đối với HoSE.

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 31/3/2022, PC1 đã phát hành thành công 3.000 trái phiếu (mã PC1H2227001) với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu cho các nhà đầu tư trong nước. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng.

Đến ngày 19/5/2022, Tập đoàn PC1 tiếp tục phát hành thêm 9.000 trái phiếu mã PC1H2227002 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu; tổng giá trị phát hành là 900 tỷ đồng. Ngày hoàn tất là 29/7/2022, ngày đáo hạn 19/5/2027.

Tuy nhiên, tại các văn bản số 0270/PC1-TCKT và 0830/CV-PC1-BTC của PC1 gửi HNX về việc công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu, cả 2 lô trái phiếu nói trên đều không thể hiện chi tiết các thông tin về mục đích phát hành, lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ,...

PC1 liên tục phát hành trái phiếu trong bối cảnh doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy lạc quan.

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2022, doanh thu thuần của công ty đạt gần 2.339 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp tăng vọt 23%, đạt gần 508 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Tập đoàn PC1 đạt 275 tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức lợi nhuận quý cao nhất của công ty kể từ năm 2014 đến nay.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu và lãi ròng lần lượt đạt 8.300 tỷ đồng và 450 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 35% so với năm trước đó. Theo giải trình của PC1, nguyên nhân do chi phí tài chính 2022 tăng mạnh vì 3 dự án điện gió đã vận hành nên chi phí lãi vay phát sinh không còn được vốn hóa; lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay ngắn hạn trung bình 2022 đã tăng lên.

Với kết quả này, Tập đoàn PC1 mới chỉ hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn PC1 đạt 21.604 tỷ đồng, tăng 15,6% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, khoản nợ phải trả của Tập đoàn PC1 cũng tăng tới 17% lên mức 14.542 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nguồn vốn, chủ yếu do công ty gia tăng nợ dài hạn. 

Bạch Hiền

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục