Tập đoàn Masan: Xuất hiện hơn 15.000 tỷ nợ vay trái phiếu không có đảm bảo

6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu giảm nhưng lợi nhuận vẫn tăng mạnh. Đồng thời, dòng tiền kinh doanh bất ngờ âm do các khoản phải thu tăng mạnh...

Doanh thu giảm, lợi nhuận tại Tập đoàn Masan vẫn tăng nhờ đâu?

Quý 2/2022, CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17.834 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của MSN đạt gần 1.215 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tại Tập đoàn Masan đạt 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức 41.196 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.

Theo doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu giảm là do tác động của việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi.

Nếu loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi của năm 2021 để so sánh tương đương, doanh thu thuần của MSN trong quý 2/2022 tăng 9,1% so với cùng kỳ do tăng trưởng từ Masan High-Tech Materials (MHT) và MCH.

Tập đoàn Masan: Xuất hiện hơn 15.000 tỷ nợ vay trái phiếu không có đảm bảo - Ảnh 1

Ngoài hoạt động kinh doanh chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn Masan còn ghi nhận tới 1.591 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu đến từ lãi từ đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây, lên tới 516 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không phát sinh khoản doanh thu tài chính này; lãi thu từ tiền gửi, cho vay và hoạt động đầu tư đạt gần 409 tỷ đồng và doanh thu tài chính khác đạt hơn 402 tỷđồng).

Đáng chú ý, MSN cho biết, trong kỳ, tập đoàn này đã ghi nhận khoản lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage. Theo đó, hồi tháng 2/2022, Tập đoàn Masan đã rót 110 triệu USD để gom thêm 31% cổ phần Phúc Long, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi đồ uống này lên mức chi phối.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính và các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng. Tuy nhiên, nguồn doanh thu tài chính tăng cao đã giúp MSN bù đắp đáng kể các chi phí tài chính và chi phí khác phát sinh trong kỳ.

Vì vậy, MSN ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 3.110 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho chủ sở hữu của MSN đạt hơn 2.576 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tập đoàn Masan: Xuất hiện hơn 15.000 tỷ nợ vay trái phiếu không có đảm bảo - Ảnh 2
Giải trình biến động lợi nhuận tại Tập đoàn Masan (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)
Giải trình biến động lợi nhuận tại Tập đoàn Masan (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)

Dòng tiền kinh doanh tại Tập đoàn Masan bất ngờ âm

Mặc dù báo lãi 6 tháng qua tăng bằng lần, song Tập đoàn Masan lại gặp vấn đề lớn khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm gần 548 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 1.531 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh âm là do hàng tồn kho và các khoản phải thu bất ngờ tăng nhanh. Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2022, tổng giá trị các khoản phải thu tăng tới 51% so với đầu năm, lên gần 12.896 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 63% so với đầu năm, lên mức gần 10.831 tỷ đồng; khoản phải thu dài hạn cũng tăng thêm 187 tỷ đồng lên 2.065 tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với đầu năm.

Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại MSN cũng âm hơn 14.826 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 2.596 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 2.786 tỷ đổng.

Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại Tập đoàn Masan âm hơn 12.588 trong khi cùng kỳ 2021 dương hơn 3.822 tỷ đồng.

Thông thường, khi nhìn nhận kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm tới yếu tố doanh thu, lợi nhuận và thường bỏ qua yếu tố dòng tiền. Trong khi trên thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mới là điểm mấu chốt để có thể đánh giá chính xác và toàn diện về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, dòng tiền kinh doanh âm là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về.

Hơn 15.000 tỷ đồng nợ vay trái phiếu không có đảm bảo, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn

Nhằm bù đắp dòng tiền thiếu hụt, Tập đoàn Masan đã đẩy mạnh đi vay nợ để có vốn duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chi tiết nợ vay tại MSN (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)
Chi tiết nợ vay tại MSN (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)

Theo đó, tính đến cuối quý 2/2022, nợ vay bao gồm cả trái phiếu hơn 56.872 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng tới 64% so với đầu năm, từ 18.806 tỷ đồng lên hơn 30.751 tỷ đồng. Ngược lại, nợ vay dài hạn giảm 34% từ 39.372 tỷ đồng xuống còn 26.121 tỷ đồng. Đáng nói, Tập đoàn Masan có hơn 15.723 tỷ đồng là nợ vay trái phiếu không có đảm bảo và gần 18.756 tỷ đồng là trái phiếu có đảm bảo.

Vì tăng cường hoạt động vay nợ (chủ yếu là nợ vay ngắn hạn), do đó, tính đến cuối quý 2/2022, Tập đoàn Masan ghi nhận nợ ngắn hạn phải trả cao hơn tài sản ngắn hạn đến 15.529 tỷ đồng, tương đương cao gấp 1,4 lần tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, nợ ngắn hạn phải trả ghi nhận hơn 52.344 tỷ đồng, tăng đến 52% so với đầu năm. Trong khi đó, tài sản ngắn hạn chỉ ghi nhận 36.815 tỷ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm.

Thực tế, nếu tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn điều này chứng tỏ doanh nghiệp không giữ vững quan hệ cân đối giữa tài sản ngắn hạn với nợ ngắn hạn vì xuất hiện dấu hiệu doanh nghiệp đã sử dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn vào tài sản dài hạn. Mặc dù nợ ngắn hạn có khi do chiếm dụng hợp pháp hoặc có mức lãi thấp hơn lãi nợ dài hạn tuy nhiên chu kỳ luân chuyển tài sản khác với chu kỳ thanh toán cho nên dễ dẫn đến những vi phạm nguyên tắc tín dụng và có thể đưa đến một hệ quả tài chính xấu hơn.

Tập đoàn Masan: Xuất hiện hơn 15.000 tỷ nợ vay trái phiếu không có đảm bảo - Ảnh 3

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, Tập đoàn Masan lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất ước tính sẽ đạt từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74.200 tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.

Không chỉ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, MSN cho biết đang lên phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành toàn bộ số cổ phiếu được Chủ Sở Hữu Trái Phiếu yêu cầu thực hiện chuyển đổi (“Cổ Phiếu Chuyển Đổi”) một cách hợp lệ theo quy định của Các Văn Kiện Trái Phiếu và tối đa 5% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty sau khi chuyển đổi.

Bên cạnh đó, Tập đoàn này còn lên kế hoạch niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng trong năm 2022 và cho đến trước Đại Hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023.

Tờ trình Đại hội cổ đông cho biết Masan cũng có kế hoạch lên phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế và phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 và/hoặc 2023. Mệnh giá trái Phiếu dự kiến 100.000 USD và là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được phù hợp với thông lệ thị trường. Số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 500.000.000 USD. 

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục