Tập đoàn Masan “gánh" 23 tỷ đồng chi phí tài chính mỗi ngày

6 tháng đầu năm 2023, Masan ghi nhận doanh thu đạt 37.314 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 868 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 41% và 21% chỉ tiêu đề ra cả năm.

Tập đoàn Masan “gánh" 23 tỷ đồng chi phí tài chính mỗi ngày - Ảnh 1

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.608 tỷ đồng, tăng 4%; lợi nhuận sau thuế đạt 429 tỷ đồng, giảm 65% so với quý II/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Tập đoàn Masan đạt 37.314 tỷ đồng, đến từ thành phẩm, hàng hóa và dịch vụ cung cấp.

Nửa đầu năm 2023, giá vốn hàng bán của Masan ghi nhận tăng 3% lên 26.902 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho ghi nhận ở mức 257 tỷ đồng, gấp 16 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm của Masan ghi nhận tăng mạnh từ 2.872 tỷ đồng lên 4.128 tỷ đồng, tương đương tăng 43% so với cùng kỳ. Như vậy, mỗi ngày, tập đoàn sở hữu Techcombank dành ra khoảng 22,8 tỷ đồng cho chi phí tài chính.

Tập đoàn Masan “gánh" 23 tỷ đồng chi phí tài chính mỗi ngày - Ảnh 2

Cụ thể, chi phí lãi vay, trái phiếu phát hành và hoạt động đầu tư của Masan ở mức 3.532 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. 

Liên quan đến các khoản vay của Tập đoàn Masan, tại bảng cân đối kế toán hợp nhất, công ty ghi nhận hơn 31.045 tỷ đồng từ khoản vay, trái phiếu và nợ thuê tài chính ngắn hạn, trong đó bao gồm hơn 17.566 tỷ đồng vay ngắn hạn tại các ngân hàng.

Bên cạnh đó, vay, trái phiếu và nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận ở mức 37.024 tỷ đồng, tăng 21% so với số đầu kỳ. Trong đó, Masan sở hữu 27.121 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng, tăng 47% so với đầu năm. 

Ngoài ra, công ty còn ghi nhận 8.017 tỷ đồng trái phiếu không có đảm bảo và 15.013 tỷ đồng trái phiếu có đảm bảo; giảm lần lượt 51% và 20% so với thời điểm đầu năm.

Quay trở lại với tình hình kinh doanh của Masan, Kết quả, công ty báo lãi giảm tới 72% so với nửa đầu năm 2022, xuống còn 868 tỷ đồng.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Masan cho biết nguyên nhân đến từ chi phí tài chính cao hơn do lãi suất đi vay tăng so với cùng kỳ trước đó. Ngoài ra, khoản lãi phát sinh một lần liên quan đến việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage và thu nhập tài chính khác cao hơn trong kỳ 6 tháng năm trước.

Năm 2023, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu đạt 90.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 21% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Masan ở mức 140.858 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ, trong đó chiếm đa số là tài sản dài hạn với 67%.

Nguyễn Phương Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục