Tập đoàn Austdoor doanh thu nghìn tỷ của ông Dương Quốc Tuấn

Với doanh thu nghìn tỷ, nhiều năm liền nằm trong danh sách Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Top 500 DN lớn nhất Việt Nam

Tập đoàn Austdoor được thành lập vào tháng 12/2009 và hiện có trụ sở tại số 37, đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Từ năm 2015 trở về trước, Tập đoàn Austdoor có vốn điều lệ là 124 tỷ đồng, với 4 cổ đông sáng lập, gồm: Nguyễn Thị Minh Thu góp 12,48 tỷ đồng, nắm giữ 10,07% cổ phần; Dương Thạch Nguyên góp 31,2 tỷ đồng, nắm giữ 25,17% cổ phần; Nguyễn Viết Lịch góp 31,44 tỷ đồng, nắm giữ 25,36% cổ phần và Dương Quốc Tuấn góp 43,68 tỷ đồng, nắm giữ 35,23% cổ phần.

Tập đoàn Austdoor nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tập đoàn Austdoor nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Đến tháng 11/2015, Tập đoàn Austdoor nâng vốn điều lệ từ 124 tỷ đồng lên thành 195 tỷ đồng. Lúc này, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nêu trên không thay đổi. Trong đó, ông Dương Quốc Tuấn vẫn giữ tỷ lệ cổ phần sở hữu cao nhất với 35,23%, tương ứng giá trị vốn góp là 68,7 tỷ đồng.

Tháng 6/2018, Tập đoàn Austdoor tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 195 tỷ đồng lên thành 350 tỷ đồng. Lúc này, ông Dương Quốc Tuấn góp 120,2 tỷ đồng, nắm giữ 34,35% cổ phần; Nguyễn Thị Minh Thu góp 34,35 tỷ đồng, nắm giữ 9,8% cổ phần; Dương Thạch Nguyên góp 85,8 tỷ đồng, nắm giữ 24,5% cổ phần; Nguyễn Viết Lịch góp 86,5 tỷ đồng, nắm giữ 24,7% cổ phần.

Cuối tháng 12/2021, Tập đoàn Austdoor lại tăng vốn điều lệ từ mức 350 tỷ đồng lên thành 500 tỷ đồng. Hiện, ông Dương Quốc Tuấn (sinh năm 1969) là người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc của Tập đoàn Austdoor.

Tổng giám đốc của Tập đoàn Austdoor Dương Quốc Tuấn.
Tổng giám đốc của Tập đoàn Austdoor Dương Quốc Tuấn.

Bên cạnh đó, ông Dương Quốc Tuấn là 1 trong 5 Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024. Tháng 5/2021, ông Tuấn cũng được bầu vào HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung nhiệm kỳ 2021-2026.

Tập đoàn Austdoor hiện là một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm cửa và vật liệu xây dựng công nghệ cao. Với hệ thống 9 công ty thành viên và chi nhánh, 9 nhà máy sản xuất, hơn 1.500 nhân viên và hơn 600 nhà phân phối, cùng 2.000 điểm bán trên toàn quốc.

Tập đoàn Austdoor được tổ chức VietNam Report xếp hạng trong Top 5 công ty vật liệu xây dựng uy tín nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam và là 1 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Tháng 8 năm ngoái, Tập đoàn Austdoor đã trở thành chủ sở hữu lớn nhất của Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung sau khi mua 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp này, tương đương 37,5% vốn điều lệ. Được biết, Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung hiện đang thực hiện cùng lúc 10 gói thầu thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch - Phố Nối, với tổng giá trúng thầu gần 700 tỷ đồng.

Cơ điện miền Trung tiền thân là xí nghiệp sửa chữa cơ điện thuộc Công ty Điện lực 3, được thành lập vào năm 1987. Tháng 1/2006, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tính đến cuối năm 2023, công ty có tổng tài sản 220,5 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu ở mức 86,1 tỷ đồng.

Ngoài vai trò tại Tập đoàn Austdoor, ông Dương Quốc Tuấn còn đại diện các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Nhôm Austdoor, Công ty cổ phần Stardoor, Công ty cổ phần Eratek, Công ty cổ phần nội thất Fami... Đây đều là những đơn vị thành viên của Tập đoàn Austdoor.

Trong số này, Công ty cổ phần Eratek được thành lập vào tháng 5/2015, với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng. Danh sách cổ đông của doanh nghiệp này có sự góp mặt của 3/4 cổ đông sáng lập Tập đoàn Austdoor. Trong đó, Nguyễn Thị Minh Thu góp 1 tỷ đồng, nắm giữ 20% cổ phần; Dương Thạch Nguyên góp 500 triệu đồng, nắm giữ 10% cổ phần và Dương Quốc Tuấn góp 3,5 tỷ đồng, nắm giữ 70% cổ phần.

Doanh thu nghìn tỷ

Theo dữ liệu mà VietnamFiance có được, trong 3 năm gần đây, tổng tài sản của Tập đoàn Austdoor khá trồi sụt. Cụ thể, từ mức 1.892 tỷ đồng vào năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng lên 2.002 tỷ đồng vào năm 2022, rồi lại giảm xuống còn 1.636 tỷ đồng vào năm 2023.

Phần lớn tài sản của Tập đoàn Austdoor là tài sản ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Trong 3 năm qua, hàng tồn kho của doanh nghiệp này luôn ở mức 500 tỷ đồng (509 tỷ đồng vào năm 2021; 554 tỷ đồng năm 2022 và 409 tỷ đồng năm 2023).

Về nguồn vốn, trong khi vốn chủ sở hữu không có nhiều thay đổi khi luôn ở quanh ngưỡng hơn 530 tỷ đồng thì nợ phải trả của Austdoor lại biến động khá mạnh trong 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, từ mức 1.360 tỷ đồng vào năm 2021 (chiếm 71% nguồn vốn), nợ phải trả của Austdoor tăng lên mức 1.456 tỷ đồng vào năm 2022 (72,7% nguồn vốn), rồi sau đó giảm mạnh xuống còn 1.076 tỷ đồng (65,7% nguồn vốn). Phần lớn các khoản nợ của doanh nghiệp là nợ vay.

Theo đó, tổng nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) của Austdoor vào năm 2021 là 1.175 tỷ đồng; năm 2022 là 1.266 tỷ đồng; năm 2023 là 775 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2021-2023 chứng kiến sự thăng giáng về doanh thu của Austdoor. Cụ thể, năm 2021 doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt mức 1.405 tỷ đồng; năm tiếp theo tăng thêm 40% lên mức 1.948 tỷ đồng. Dù vậy, kết thúc năm 2023, doanh thu thuần của Austdoor lại giảm xuống còn 1.072 tỷ đồng, tương đương mức giảm 45% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Austdoor doanh thu nghìn tỷ của ông Dương Quốc Tuấn - Ảnh 1

Về lợi nhuận, năm 2021 doanh nghiệp báo lãi 14,2 tỷ đồng; năm 2022 lãi 19,2 tỷ đồng và năm 2023 lãi 14 tỷ đồng.

Luỹ kế giai đoạn này, Austdoor mang về gần 4.500 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận kê khai 50 tỷ đồng.

Điểm tích cực trong hoạt động kinh doanh của Austdoor có thể ghi nhận là việc cải thiện dòng tiền kinh doanh. Theo đó, từ mức âm 319 tỷ đồng vào năm 2021, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện còn âm 39 tỷ đồng vào năm 2022 và đã dương trở lại vào năm 2023.

Đây cũng là một điểm sáng cho một doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các giải pháp xây dựng giữa giai đoạn thị trường kinh tế và đặc biệt là ngành xây dựng & vật liệu xây dựng gặp những khó khăn, tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố khách quan và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh.

Nghi Xuân

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục