Theo số liệu của NHNN, chỉ có hơn 1/3 DNNVV (chưa đến 36%) trong số các doanh nghiệp đang hoạt động có tiếp cận vốn ngân hàng. Thực tế, các DNVVN khó tiếp cận được vốn vay ngoài nợ xấu tăng và hết tài sản đảm bảo, một phần do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong những năm gần đây.
Tất nhiên là với DNVVN cũng có những hạn chế của nó và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí cho vay của ngân hàng. Ðáng chú ý là trước bối cảnh nợ xấu tăng hiện nay, các NHTM cũng sẽ phải thận trọng khi trao vốn.
Tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn.
Nhưng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng thừa, nghiệp đói vốn vốn hiện nay cũng cần có chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Cũng theo TS. Kiêm, hiện nhiều ngân hàng đã huy động đủ vốn vay nhưng đầu ra lại đang hạn chế, do nợ xấu và nhu cầu vốn của doanh nghiệp tốt không tăng.
Vì thế, các ngân hàng đành dùng nguồn vốn đó để mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng cao cũng khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn.
Nhiều DNVVN chỉ còn hoạt động cầm chừng và nhiều DNVVN đang đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 8 tháng đầu năm, tín dụng tăng chưa đến 6%, dù thanh khoản của ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.
Vốn khả dụng bắt đầu dôi dư ở các nhà băng lớn, nhưng rất khó để cho vay ra.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm dần trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay giảm nhiều chỉ áp dụng cho đối tượng khách hàng tốt và ngân hàng cũng có sự chọn lọc khá kỹ, tìm doanh nghiệp khỏe mới có thể trao vốn.
Ðiều đó cũng có nghĩa, chỉ với DNVVN đáp ứng được các điều kiện tín dụng của NH mới có thể vay được vốn lãi suất ưu đãi, chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được sử dụng vốn rẻ.
“Các DNVVN sẽ khó khăn hơn khi muốn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh và không thể kỳ vọng tiếp cận được vốn giá rẻ để giảm chi phí trong hoạt động”, T.S Kiêm nói và cho rằng, ngoài chính sách giảm lãi suất, thuế và các ưu đãi DNVVN, ngân hàng cũng nên có chính sách cho vay tín chấp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNVVN dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của từng NHTM đối với doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, để khơi thông được dòng chảy tín dụng, hỗ trợ vốn cho DN sản xuất, kinh doanh, nhất là các DNVVN, phía NHTM phải có sự chủ động xếp hạng tín nhiệm cho vay, nhưng doanh nghiệp cần minh bạch thông tin hoạt động.
Theo TS. Thành, lãi suất hiện không còn là áp lực quá lớn đối với doanh nghiệp, nhưng cái khó đó chính là nợ xấu tăng, ngân hàng ngại đẩy mạnh vốn cho vay. Trong khi, cái khó của doanh nghiệp hiện nay chính là tồn kho tăng, hết tài sản đảm bảo và có nợ xấu nên không thể tiếp cận được vốn, nhất là với DNVVN.
Nhưng với quỹ bảo lãnh tín dụng của Việt Nam còn quá mỏng. Thực tế, đối với các DNVVN để tiếp cận với Quỹ bảo lãnh tín dụng là điều hết sức khó khăn, trong khi đó nhu cầu vốn của những doanh nghiệp này để đầu tư, phát triển, kinh doanh là rất lớn.
“Ở Việt Nam quỹ bảo lãnh tín dụng đã được thành lập nhiều và tiếp tục sửa đổi, nhưng kết quả đạt được rất hạn chế. Bởi không có độ dày về vốn. Nhưng theo tôi, vấn đề quan trọng hơn trong việc bảo lãnh tín dụng là năng lực và tính minh bạch cũng như rủi ro và hiệu quả trong quá trình bảo lãnh ở mức có thể chấp nhận được. Có như vậy thì không chỉ có vai trò nhà nước mà các tổ chức tư nhân cũng có thể tham gia thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng để có thể hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các NHTM hiện nay cũng cần có sự thay đổi về cách nhìn đối với các DNVVN và đây chính là thị trường và lợi nhuận của mình”, TS. Thành nói.
Theo BizLIVE