Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cho thấy những quyết tâm của mình trong việc thực hiện đề án tái cấu trúc các ngân hàng thương mại.
Theo đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng cho biết số lượng ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn dưới 30, điều này có nghĩa hơn 10 ngân hàng sẽ phải được xử lý. Tuy nhiên trong thời gian qua các cuộc sáp nhập ngân hàng mới chỉ là đồn đoán số thương vụ thực lại rất ít. Trong khi đó năm 2015 là năm cuối triển khai đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, do vậy ngay từ đầu năm NHNN đã có những động thái tỏ rõ sự quyết tâm của đơn vị này trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cụ thể đơn vị này đã và đang đẩy mạnh sáp nhập ngân hàng và mua bắt buộc các ngân hàng âm vốn để lập lại trật tự xã hội.
Cụ thể mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập với nhau theo Đề án sáp nhập đã được hai Ngân hàng trình. Như vậy, việc này đồng nghĩa cuộc “hôn nhân” giữa MaritimeBank và MDB đã sắp đi đến hồi kết.
Không chỉ vậy, theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, ngay trong tuần này cơ quan cũng sẽ có quyết định với một ngân hàng yếu kém khác với phương châm “kiên quyết hơn” trong tái cấu trúc.
Ngoài ra một số thương vụ sáp nhập ngân hàng có khả năng diễn ra trong thời gian tới có thể kể đến: VietinBank và PGBank, Sacombank và Ngân hàng Phương Nam.
Tái cơ cấu ngân hàng: Đã hết thời “tự nguyện”.
Tính đến thời hiện tại, các ngân hàng đã hết thời hạn “tự nguyện” sáp nhập hoặc tái cấu trúc. Trong thời gian tới, tái cấu trúc sẽ đi vào chiều sâu với trọng tâm là xử lý sở hữu chéo và nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng. Thậm chí, NHNN cũng sẽ trực tiếp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
“Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã qua giai đoạn ‘vừa đi vừa dò’ và sang giai đoạn tiếp theo là xử lý ngân hàng yếu kém với những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt” - chuyên gia kinh tế, T.S Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo đánh giá của Hãng tín nhiệm Moody’s cho rằng trong năm nay, Việt Nam sẽ phải có thêm nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập mới trong hệ thống nhằm giảm số lượng ngân hàng xuống chỉ còn 15-17 ngân hàng, thay vì 40 ngân hàng như hiện nay.
Việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam sẽ một tín hiệu tích cực bởi nó sẽ giúp loại bỏ một số nhà băng yếu kém và giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống. Ngoài ra nó còn còn giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống.
Hoàng Anh (TH theo ĐTCK; Trí thức trẻ; TBKTSG)