Tắc nghẽn tín dụng là do đâu?

(Kinhdoanhnet) - Mới đây NHNN cũng đã khuyến khích các ngân hàng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp để tăng cho vay tín chấp, nhanh chóng giải ngân nguồn tiền dư thừa trong ngân hàng để tăng tín dụng.

Để giải thích được tình trạng tăng trưởng chậm tín dụng như hiện nay, bên cạnh tác động của môi trường kinh tế vĩ mô và vi mô, cần phải phân tích những yếu tố thuộc chính hệ thống ngân hàng.

Đầu tiên phải kể đến lãi suất cho vay. Đây là nhân tố chính có tác động quyết định nhằm tạo ra sức cầu tín dụng. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm rất nhiều so với những năm trước đây. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân vào khoảng 8-10%/năm, trung dài hạn 11-12%/năm, thậm chí chỉ từ 6-7%/năm đối với tài trợ xuất khẩu.

Hơn nữa, mới đây NHNN cũng đã khuyến khích các ngân hàng xếp hạng tín dụng doanh nghiệp để tăng cho vay tín chấp, nhanh chóng giải ngân nguồn tiền dư thừa trong ngân hàng để tăng tín dụng.

Nhiều ngân hàng cũng đang tung ra những gói ưu đãi với các điều kiện hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, lãi suất vẫn chưa thực sự mang lại yên tâm cho người vay vốn. Bởi, họ vẫn phải chấp nhận "điều khoản linh hoạt" khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, mà theo đó lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định (thông thường 3-6 tháng), còn sau đó sẽ điều chỉnh tùy thuộc vào "tín hiệu thị trường".

Mặt khác, phí trả nợ trước hạn cũng là trở ngại với các khách hàng trong trường hợp khách hàng có ý định rời bỏ sang ngân hàng khác.

Như trường hợp của chị Tuyền ở TP.HCM, chị vay ngân hàng 2,8 tỷ đồng, thời hạn gần 9 năm với lãi suất ưu đãi, sau 5 tháng chị Tuyền cần bán gấp căn nhà là tài sản thế chấp nên xin tất toán trước hạn. Ngân hàng thông báo phạt 248 triệu đồng.

Dĩ nhiên không phải ngân hàng sai nhưng để đảm bảo tính công bằng khách quan, cần thiết phải xác lập hành lang pháp lý rõ ràng nhằm bảo vệ người vay vốn, tương tự Luật Bảo vệ người tiêu dùng, như đặt ra các giới hạn tối đa khi áp lãi suất hoặc phí theo cơ chế thỏa thuận.

Tắc nghẽn tín dụng là do đâu? - Ảnh 1
Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng tín dụng vẫn chậm tăng trưởng

Nợ xấu là vấn đề tiếp theo mà ngân hàng cần phải thực sự quan tâm. Theo Thông tư 09 quy định về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải chuyển dư nợ của khách hàng thuộc diện được miễn/giảm lãi sang nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), điều này vô hình trung đẩy khách hàng vào tình trạng nợ xấu, đồng nghĩa với việc ngăn chặn mọi khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khả năng mở rộng cho vay của TCTD phụ thuộc phần lớn vào năng lực thẩm định, đánh giá đúng thực lực và uy tín của khách hàng, đặc biệt đối với các trường hợp cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm. Một trong những công cụ hỗ trợ rất quan trọng đó là sử dụng nguồn dữ liệu chính thống từ các tổ chức đánh giá tín nhiệm chuyên nghiệp. Mọi thông tin rủi ro tín dụng hiện nay gần như phụ thuộc vào tổ chức "độc quyền" CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng trực thuộc NHNN). Tuy nhiên chất lượng dữ liệu thông tin tham khảo còn kém, đơn điệu, thiếu sự phân tích chiều sâu. Mặt khác, chính các ngân hàng thương mại cũng không mấy tin vào xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.

Theo các ngân hàng, khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác xếp hạng tín nhiệm DN là tỷ lệ báo cáo tài chính của DN (nguyên liệu đầu vào của xếp hạng tín nhiệm) đã qua kiểm toán rất thấp, chỉ khoảng 1-2% tổng số DN. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, ngay cả DN lớn cũng gặp vấn đề tài chính chứ đừng nói gì đến các DN vừa và nhỏ.

"Nhiều DN có hai báo cáo tài chính, trong đó, báo cáo đẹp để gửi ngân hàng là báo cáo 'ma'. Chúng tôi chỉ tin vào uy tín của những DN đã từng giao dịch với mình khi cho vay tín chấp. Còn với các DN khác, ngay cả các DN được Trung tâm Thông tin tín dụng (NHNN) xếp hạng tín nhiệm cao, chúng tôi vẫn phải dè chừng", lãnh đạo một ngân hàng cho biết.

Đầu năm 2015 các TCTD sẽ phải triển khai thực hiện điều 8 Thông tư 02, phải dựa vào CIC để phân loại nợ và xếp hạng tín nhiệm khách hàng vay vốn. Liệu rằng CIC có đủ khả năng đảm đương việc cung cấp, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời?

Các TCTD buộc phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, như trích lập dự phòng cao hay bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, việc bán nợ mới chỉ giúp TCTD đẩy lùi nợ xấu chứ chưa giải quyết triệt để. Ngay cả quá trình thu hồi nợ sau đó cũng vướng phải thủ tục hành chính rườm rà, nhất là quy trình ủy quyền tố tụng, thanh lý, chuyển nhượng tài sản bảo đảm, hạch toán thu hồi nợ...

Mới đây NHNN - Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 16 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-7-2014. Theo đó, TCTD chính thức được trao quyền rộng rãi hơn so với trước đây trong quá trình xử lý tài sản của khách hàng để thu hồi nợ như được quyền bán tài sản không qua đấu giá, quyền yêu cầu UBND cấp xã hỗ trợ việc thu giữ tài sản, quyền ký trên các giấy tờ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện thi hành...

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục