Sovico và những thương vụ địa ốc tỷ USD

Trở về Việt Nam khá muộn, song bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã nhanh chóng nổi lên là một đại gia trong lĩnh vực bất động sản với những thương vụ M&A đình đám.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nữ tỷ phú sở hữu nhiều quỹ đất nghỉ dưỡng

Suốt 8 năm qua, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã liên tiếp góp mặt trong những thống kê danh giá, từ nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam đến nhóm những người phụ nữ quyền lực nhất toàn cầu. Theo cập nhật của Forbes vào tháng 3/2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản 2,3 tỷ USD, đứng thứ 1.284 trong danh sách tỷ phú thế giới.

Thuộc thế hệ doanh nhân trưởng thành từ lớp du học sinh tại Đông Âu, bà Thảo đã khởi nghiệp kinh doanh với các hoạt động thương mại ở thị trường quốc tế và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên cách đây đúng 30 năm. Năm 1992, bà cùng người bạn đời - ông Nguyễn Thanh Hùng thành lập Tập đoàn Sovico ở nước ngoài.

Ít ai biết những đổi mới của kinh tế Việt Nam từ những năm 1990 có đóng góp của người phụ nữ này, như việc tham gia hỗ trợ chương trình xoá nợ quốc gia tới 95% của Việt Nam và trả nợ chỉ bằng hàng hoá, thay vì ngoại tệ.

Khi đang kinh doanh thành công ở Nga, bà cùng chồng trở về Việt Nam, sáng lập và điều hành Sovico Holdings. Thời điểm quay trở lại, nước ta đang trên đà đổi mới, thực hiện nhiều cải cách quan trọng cho nền kinh tế. Với tư duy nhanh nhạy, vợ chồng bà đã dẫn dắt Sovico từng bước chiếm lĩnh thị phần các ngành kinh tế trọng điểm và có tương lai.

Tuy nhiên, bà khá kín tiếng và phải đến khi trở thành tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, bà mới thực sự được nhiều người biết đến. Từ đó, tên tuổi bà Thảo gắn với Vietjet Air, hãng hàng không thành lập năm 2007 và cất cánh từ năm 2011.

Trên thực tế, khoản đầu tư quy mô đầu tiên của bà Thảo về Việt Nam là lĩnh vực ngân hàng. Bà là một trong các cổ đông sáng lập Ngân hàng Quốc tế (VIB) năm 1996, sau này chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư khác. Đến năm 2008, bà Thảo đầu tư vào HDBank và ngồi ghế phó chủ tịch hội đồng thường trực cho đến nay.

Bên cạnh đó, nữ doanh nhân sinh năm 1970 này cũng nhanh chóng khẳng định được vị thế trong lĩnh vực bất động sản với những thương vụ thâu tóm đình đám. Trong đó, mảng bất động sản nghỉ dưỡng là hoạt động kinh doanh đáng chú ý của bà Thảo khi mới quay về Việt Nam.

Thương vụ đầu tiên bà Thảo đầu tư tại Việt Nam là mua lại dự án Furama Resort Danang, một khu nghỉ dưỡng 5 sao, với 198 phòng từ tay Lai Sun Development (Hồng Kông). Ở tuổi 35, bà Thảo đã trở thành nữ doanh nhân Việt đầu tiên đủ tiềm lực và bản lĩnh thâu tóm dự án nghỉ dưỡng 5 sao từ tay đối tác ngoại. Bởi vào thời điểm năm 2005, hầu như không có người Việt nào sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao.

Lúc bấy giờ, tất cả các khách sạn 5 sao từ Bắc chí Nam, bất kể là Sofitel Metropole, Melia ở Hà Nội hay Caravelle, New World ở TP. HCM đề thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vai trò của đối tác Việt Nam trong những liên doanh khách sạn này chỉ đơn thuần là góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẵn có, còn tất cả vốn xây dựng cũng như vận hành đều do đối tác nước ngoài chi phối.

Furama Resort Danang cũng không phải là ngoại lệ. Dự án khu nghỉ dưỡng này được cấp phép năm 1994 cho Công ty liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An – một liên doanh giữa Tập đoàn Lai Sun Development và Công ty Du lịch Đà Nẵng.

Đại diện cho phía nước ngoài là các công ty con của Lai Sun Development, chiếm tới 75% cổ phần trong liên doanh. Tuy nhiên, do kinh doanh tại Hồng Kông thua lỗ hàng trăm triệu USD, nên Lai Sun Development buộc phải bán Furama Resort Danang để tránh nguy cơ phá sản. Thế nhưng, suốt mấy năm liền rao bán, tập đoàn này vẫn không tìm được đối tác.

Đúng lúc đó, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã quyết định quay về Việt Nam đầu tư. Nhận thấy Furama Resort Danang là cơ hội hiếm có để nhanh chóng khai thác thị trường du lịch nghỉ dưỡng đầy tiềm năng, bà Thảo đã nhanh chóng tiếp cận đàm phán mua lại cổ phần của Lai Sun Development.

Đến cuối năm 2005, thương vụ đi đến hồi kết. Qua đấu thầu công khai, Lai Sun Development chấp nhận chốt giá bán lại Furama Resort Danang cho Sovico ở mức 16,8 triệu USD. Tính ra, Lai Sun Development chịu lỗ gần 1,26 triệu USD từ thương vụ này.

Furama Resort thực sự là “món hời” thể hiện tầm nhìn của bà Thảo. Tuy nhiên, liên quan đến thương vụ này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đều nằm trong dữ liệu “hồ sơ Panama”, trong đó nêu tên những công ty bình phong ở các thiên đường thuế có thể giúp các chính trị gia, tỷ phú, người nổi tiếng trốn thuế, được công bố bởi Liên minh các nhà báo điều tra quốc tế vào hồi tháng 5/2016.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo giải thích: “Năm 2005, chúng tôi là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico đã thắng thầu và thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossack Fonseca tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường, cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty cũng xuất hiện theo”.

Những dự án bất động sản tỷ USD

Tiếp nối thành công của Furama Resort Danang, năm 2007, bà Thảo đã thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư cho các dự án bất động sản. Dự án đầu tiên làm nên tên tuổi của Phú Long và Sovico là khu đô thị Dragon City có quy mô 65ha tại TP. HCM với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD. Dự án trải dài hơn 7km mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nối liền trung tâm TP. HCM với khu đô thị cảng Hiệp Phước và liền kề khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Tại TP. HCM, bên cạnh Dragon City, Phú Long và Sovico cũng tập trung đầu tư từ khu nam tới khu đông, triển khai dự án khu phức hợp Dragon Riverside City và khu đô thị Dragon Village. Đây là dự án của Phú Long tại đông Sài Gòn - một khu vực đang phát triển năng động nhất TP. HCM.

Đáng chú ý, với sự bùng nổ của ngành du lịch và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vào thời điểm 2015 - 2017, bà Thảo quyết định đầu tư lớn phát triển các dự án bất động sản du lịch. Sovico tiếp tục đầu tư vào dự án căn hộ nghỉ dưỡng Ariyana Condotel Đà Nẵng đồng thời thâu tóm 2 dự án nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa là L’Alyana Ninh Van Bay (quy mô 40ha) và dự án Ana Mandara (quy mô 26.000m2). Ana Mandara Nha Trang là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên và duy nhất được phép xây dựng ở phía đông “con đường vàng” Trần Phú.

Mặc dù ngày 31/12/2018 là thời hạn cuối cùng khu nghỉ dưỡng Ana Mandara phải di dời khỏi Nha Trang, chủ đầu tư mới là Sovico Holdings vẫn không ngần ngại rót vốn để có được thương hiệu này. Vào ngày tháng 7 cùng năm, dự án Ana Mandara mới ở phía bắc bán đảo Cam Ranh được khởi công xây dựng với quy mô 29ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2019, tại huyện đảo Phú Quốc, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam cũng triển khai một “siêu” dự án nghỉ dưỡng là L’Alyana Senses World, do Công ty Cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc làm chủ đầu tư. Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 219ha trải dài 1,5km bờ biển phía tây đảo Phú Quốc. Song song với giai đoạn này, bà Thảo bắt tay với một doanh nghiệp thuộc Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất để triển khai dự án Hạ Long Star, có quy mô lên đến 125ha, tổng vốn đầu tư lên đến 550 triệu USD.

Một thương vụ đình đàm khác của bà chủ Vietjet Air vào năm 2020 là nắm được dự án Splendora ở thị trường Hà Nội khi thâu tóm 50% vốn từ Posco E&C (Hàn Quốc) và sau đó là 50% của Vinaconex. Splendora (nay đổi tên thành Mailand Hanoi City) có diện tích 245ha, chia làm 5 giai đoạn và được triển khai từ 2008.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án có 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD. Sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2013, do không thống nhất được nhiều nội dung giữa hai đối tác, đồng thời thị trường gặp bất lợi nên dự án đã bị đình trệ gần 5 năm và mới khởi công lại một tiểu khu cuối năm 2017.

Hiện tại, chủ đầu tư Phú Long đã hoàn thành khu nhà ở cao cấp gồm biệt thự, nhà liền kề và chung cư tại dự án Mailand Hanoi City. Trong đại dịch, Phú Long cũng mở rộng quỹ đất nhanh chóng, theo dữ liệu, công ty đã thực hiện 9 thương vụ M&A trong năm, một trong số đó là SwanBay (Đồng Nai).

Ngoài các thương vụ nổi bật nêu trên, bà Thảo cũng mạnh tay rót vốn vào một số dự án rất lớn khác, thuộc các phân khúc Sovico chưa từng đầu tư. Điển hình, hồi tháng 6/2021, Tập đoàn Sovico đã đề xuất khảo sát, nghiên cứu làm các dự án gồm: khu logistics và công nghiệp hàng không Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (quy mô khoảng 1.650ha, giai đoạn 1 khoảng 350ha) và dự án khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền (quy mô khoảng 1.000ha).

2 tháng sau đó, Sovico lại tiếp tục thực hiện dự án khách sạn – sân golf Hoàng Đồng hơn 1.000 tỷ đồng ở Lạng Sơn sau hàng chục năm bỏ hoang, nằm phơi sương nắng với hy vọng trong tương lai không xa, Lạng Sơn sẽ có dự án bất động sản kết hợp sân golf. Cũng tại địa phương này, Sovico đã đề xuất đầu tư 1.000ha tại khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hữu Lũng.

Có thể thấy, Sovico đã tiến rất nhanh trong lĩnh vực bất động sản. Hoạt động của tập đoàn này đã ghi được những dấu ấn rất đáng kể trên thị trường, xứng đáng là một “đại gia” thực thụ. Dù vậy, xét trên góc độ đóng góp, Sovico vẫn chưa có nhiều kiến tạo mang tính đột phá, mở đường cho thị trường. Những thử nghiệm về việc mở rộng phạm vi hoạt động gần đây cho thấy Sovico đang muốn tìm kiếm một không gian mới, nơi những thành tựu sẽ là nổi bật, dẫn dắt được thị trường. Song, đó vẫn là chuyện ở thì tương lai.

Lệ Trần

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục