Nhắc tới hoạt động hệ thống ngân hàng, trước tiên phải kể tới 3 cái tên được coi là “tam trụ” của hệ thống ngân hàng TMCP tại Việt Nam đó là Ngân hàng BIDV, Vietinbank và Vietcombank.
Cùng là 3 ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước có quy mô lớn nhất toàn hệ thống. Kết thúc nửa đầu năm 2016, BIDV vẫn là ngân hàng sở hữu khối lượng tổng tài sản lớn nhất. Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản BIDV ước đạt 930.268 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2015. Đầu năm BIDV cũng đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng năm 2016 đạt 7.900 tỷ đồng tăng 10% so với năm 2015; nhưng đến hết ngày 30/6, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt con số 3.311 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm, như vậy nếu muốn đạt được kế hoạch đã đề ra trong năm 2016, 6 tháng cuối năm BIDV sẽ phải cố gắng rất nhiều.
Cũng đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 xấp xỉ BIDV lần lượt là 7.900 tỷ và 7.500 tỷ đồng nhưng Vietinbank và Vietcombank lại đạt được những con số khả quan về kết quả kinh doanh của mình. Kết thúc quý 2/2016, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 4.273 tỷ đồng, đạt 54% tổng lợi nhuận kế hoạch năm 2016; lợi nhuận trước thuế của Vietcombank cũng đạt tới 4.280 tỷ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm. Nếu giữ đà tăng trưởng đều đặn như thế này, rất có thể cuối năm cả Vietinbank và Vietcombank sẽ vượt kế hoạch về lợi nhuận đã đề ra.
Kết thúc nửa đầu năm, tổng tài sản của Vietinbank và Vietcombank đạt lần lượt 850.210 tỷ đồng và 679.000 tỷ đồng, tương đương 96% và 89% kế hoạch năm 2016.
Biểu đồ lợi nhuận trước thuế của một số ngân hàng. Ảnh: QT.
Trong nhóm ngân hàng tầm trung có một số cái tên đạt kết quả kinh doanh khá cao trong nửa đầu năm. Ngân hàng MBBank ghi nhận kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản đạt 239.122 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ngân hàng ước đạt 1.862 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm. VPBank cũng ghi nhận khoảng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đạt 1.628 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch đã đề ra là 3.200 tỷ đồng trong năm 2016. Tổng tài sản VPBank tính tới hết ngày 30/6 ước đạt 201.020 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2015.
Đặc biệt, 2 cái tên khá tên gần như đã hoàn thành kế hoạch đã đề ra tính cho tới thời điểm hiện tại lại là NCB và SCB, khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, 2 ngân hàng này đã đạt tới 86% và 75% kế hoạch năm. Thế nhưng, thực tế con số mà NCB và SCB thu lại được lại vô cùng nhỏ bé và việc đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đề ra cao như vậy là do kế hoạch lợi nhuận năm 2016 của 2 ngân hàng này chỉ vọn vẹn là 14 tỷ đồng ở NCB và 183 tỷ đồng tại SCB. Sau 6 tháng lãi trước thuế mà NCB thu được đã là 12 tỷ đồng, tuy kế hoạch đề ra là rất nhỏ thế nhưng trên thực tế năm 2015, NCB cũng chỉ báo lãi đúng 7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà thôi. Đối với SCB, một ngân hàng với quy mô tài sản thuộc nhóm trên, với tổng tài sản ngân hàng ước đạt 339.912 tỷ đồng, thế nhưng kế hoạch lợi nhuận năm 2016 SCB đặt ra lại chỉ là 183 tỷ đồng, và sau 6 tháng SCB đã thu được 138 tỷ đồng lãi trước thuế, đạt 75% kế hoạch năm, con số này tuy nhỏ nhưng thực tế còn cao hơn tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2015 của SCB là 111 tỷ đồng.
Bên cạnh nhưng ngân hàng khả năng cao sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2016 thì vẫn còn đó những cái tên đang loay hoay trong chính kế hoạch của mình. Tính đến hết ngày 30/6, Eximbank là ngân hàng có tỷ lệ lãi trước thuế trên kế hoạch thấp nhất hệ thống khi chỉ đạt 20% kế hoạch lợi nhuận trước đó. Cụ thể, ban đầu kế hoạch của Eximbank trong năm 2016 là 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thế nhưng trong tài liệu cổ đông bất thường năm 2016 Eximbank lại ghi nhận giảm kế hoạch lợi nhuận xuống còn 400 tỷ đồng năm 2016. Thực tế sau nửa năm, Eximbank cũng chỉ thu về vỏn vẹn 79 tỷ đồng. Và sẽ rất khó để Eximbank có thể hoàn thành thêm 321 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng còn lại của năm 2016, nhất là trong thời điểm ngân hàng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn và mâu thuẫn trong nội bộ.
Ngoài Eximbank thì Sacombank và SHB cũng là 2 ngân hàng sở hữu lợi nhuận 6 tháng đầu năm kém khả quan nhất. Kết thúc 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế Sacombank thu về chỉ là 363 tỷ đồng, chỉ đạt 36% kế hoạch năm là 1.002 tỷ đồng. Về phía SHB cũng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế đạt 525 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm.
Theo ghi nhận những năm trước thì 6 tháng cuối năm chính là thời điểm mà các ngân hàng bức tốc để hoàn thành kế hoạch đã đề ra của mình. Thế nhưng đối với những ngân hàng như Eximbank hay Sacombank, SHB có lẽ sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu muốn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra của mình.
Quang Thắng