Soi năng lực của OSI Holdings - chủ bộ đôi dự án Avenue Garden, Oriental Square

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, OSI Holdings nổi lên như một “tay chơi” đầy tiềm lực khi triển khai 2 dự án tại Hà Nội, lần lượt là Avenue Garden (nhà ở thấp tầng) và Oriental Square (văn phòng).

Soi năng lực của OSI Holdings – chủ bộ đôi dự án Avenue Garden, Oriental Square
Soi năng lực của OSI Holdings – chủ bộ đôi dự án Avenue Garden, Oriental Square

OSI Holdings là ai?

OSI Holdings có tên pháp lý là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Đông Thành, được thành lập tháng 2/2020, ban đầu đóng trụ sở tại tháp Lotte (Liễu Giai, Ba Đình), sau chuyển về khu đô thị Ngoại Giao Đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Khi mới thành lập, OSI Holdings có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Công ty TNHH Quản lý tài sản Aba 20% (tương đương 90 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế K&K 30% (tương đương 135 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư 2M 10% (tương đương 45 tỷ đồng), bà Đặng Thị Huyền Hương 20% (tương đương 90 tỷ đồng) và ông Vũ Xuân Hân 20% (tương đương 90 tỷ đồng). Trong số này, 2 công ty Aba và 2M có chung trụ sở tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn.

Ban đầu, người đại diện theo pháp luật của OSI Holdings là CEO Shu Hsin Hung, người Trung Quốc. Tuy nhiên, tới năm 2021, vị trí này do ông Trần Việt Dũng (sinh năm 1980) đảm nhiệm, trong khi ông Trần Tùng Linh (sinh năm 1980) làm chủ tịch HĐQT. Diễn biến đổi vai này tới từ việc một đơn vị gốc Trung tới rồi đi trong cơ cấu sở hữu của OSI Holdings (sẽ nói phía dưới). Cũng trong năm 2021 này, công ty tăng vốn lên 525 tỷ đồng.

Về các cổ đông của OSI Holdings, Công ty TNHH Quản lý tài sản Aba được thành lập từ năm 2015, với tên cũ là Công ty TNHH Jhno Spirit Việt Nam, vốn điều lệ chỉ 200 triệu đồng. Vào tháng 6/2018, công ty tăng vốn lên 20 tỷ đồng, đồng thời ông Nguyễn Việt Hải (sinh năm 1980) trở thành CEO, người đại diện theo pháp luật của công ty.

Với công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế K&K, đơn vị này được lập ra năm 2020 với vốn điều lệ ban đầu 48,8 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Nguyễn Văn Linh 1% (tương đương 488 triệu đồng), Nguyễn Hương Giang 1% (tương đương 488 triệu đồng) và Trần Việt Dũng 98% (tương đương 47,824 tỷ đồng). Trong số này, ông Trần Việt Dũng làm CEO (từ tháng 6/2020). Ông Dũng cũng chính là đương kim CEO của OSI Holdings.

Hồi tháng 9/2020, cơ cấu cổ đông của K&K có biến động khi ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông ngoại là Cosmopolitan Development Group Limited với tỷ lệ sở hữu 51% (tương đương 24,888 tỷ đồng). Cổ đông ngoại này có trụ sở tại quần đảo Virgin thuộc Anh, người được ủy quyền là Lee Long Kwang (người Đài Loan). Tuy vậy, chỉ 1 tháng sau đó, cổ đông ngoại này thoái vốn, khi K&K nâng vốn điều lệ lên 73,2 tỷ đồng.

Về Công ty Cổ phần Đầu tư 2M, đơn vị này được lập ra năm 2020 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Bùi Thị Việt Hương 55% (tương đương 2,75 tỷ đồng), Nguyễn Ngọc Dung 43% (tương đương 2,150 tỷ đồng) và Nguyễn Việt Hải 2% (tương đương 100 triệu đồng). Trong số này, ông Nguyễn Việt Hải chính là CEO của Công ty TNHH Quản lý tài sản Aba.

Tháng 3/2021, Đầu tư 2M tăng vốn lên 21 tỷ đồng, bà Bùi Thị Việt Hương (sinh năm 1982) cũng thay bà Nguyễn Ngọc Dung (sinh năm 1992) làm CEO, người đại diện theo pháp luật của công ty.

Như vậy, nhìn lại cơ cấu cổ đông của OSI Holdings, có thể nhận ra những nhân vật chủ chốt đang nắm giữ quyền lực là: Trần Việt Dũng và Nguyễn Việt Hải.

OSI Holdings trong mối quan hệ với nhóm công ty làm dự án

Dự án đầu tay của OSI Holdings tại thị trường Hà Nội là Avenue Garden – khu biệt thự, liền kề tại ô đất TT6-1 và TT6-3 trên mặt đường Tây Thăng Long. Dự án này do Công ty Cổ phần Quản lý Tài sản Sông Nhuệ làm chủ đầu tư, OSI Holdings là đơn vị phát triển.

Công ty Sông Nhuệ được thành lập 2019 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, do các cổ đông sau sáng lập: Đào Hữu Dương 40% (tương đương 100 tỷ đồng), Trần Mạnh Hùng 40% (tương đương 100 tỷ đồng), Đinh Bá Dương 20% (tương đương 50 tỷ đồng). Trong đó, ông Đào Hữu Dương (sinh năm 1981) làm CEO, người đại diện theo pháp luật. Tuy vậy, tháng 9/2019, ông Tạ Quang Sinh (sinh năm 1983) đã thay thế ông Dương ở vai trò này.

Đầu năm 2020, Sông Nhuệ tăng vốn lên 480 tỷ đồng rồi lên tiếp 500 tỷ đồng vào tháng 9 cùng năm. Tháng 1 năm sau đó, ông Nguyễn Việt Hải – CEO Công ty Quản lý tài sản Aba, cổ đông sáng lập Công ty Đầu tư 2M – chính thức tiếp quản ghế CEO của Công ty Sông Nhuệ. Đến tháng 4/2022, vốn điều lệ của Sông Nhuệ giảm xuống 450 tỷ đồng.

Sau Avenue Garden, OSI Holdings tiếp tục phát triển dự án tòa nhà văn phòng Oriental Square. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nằm tại khu đất H2CC1, ngay cạnh quảng trường trung tâm khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Quy mô dự án gồm 3 tầng hầm, 16 tầng nổi và 8 thang máy với tổng diện tích lô đất 3.946m2, tổng diện tích sàn xây dựng (bao gồm hầm) là 28.652m2.

Tại Oriental Square, OSI Holdings hợp tác cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại Nam Tiến. Công ty này được lập ra năm 2017, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Nguyễn Thị Kim Thoa 33% (tương đương 6,6 tỷ đồng), Nguyễn Việt Hải 34% (tương đương 6,8 tỷ đồng), Ngô Thị Mai 33% (tương đương 6,6 tỷ đồng). Trong số này, ông Nguyễn Việt Hải – người đã được nhắc ở trên với các vai trò CEO Aba, CEO Sông Nhuệ và đồng sáng lập Đầu tư 2M - làm CEO, người đại diện theo pháp luật.

Năm 2018, Đại Nam Tiến thực hiện 2 cú tăng vốn liên tiếp, lần lượt lên 27 tỷ đồng (tháng 5) và lên 70 tỷ đồng (tháng 7). Danh sách cổ đông và tỷ lệ sở hữu của mỗi cổ đông không đổi.

5 năm sau đó, tháng 8/2023, công ty thực hiện lần tăng vốn thứ 3, lên 175 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là cú tăng vốn chót để đáp ứng nhu cầu phát triển dự án Oriental Square.

OSI Holdings làm ăn ra sao?

Với vai trò là chủ đầu tư/nhà phát triển của các dự án có quy mô đáng kể trên địa bàn Hà Nội, OSI Holdings hẳn nhiên không phải là một công ty nhỏ. Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của công ty đã vượt trên 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm đến 80%.

Là công ty mẹ trong hệ thống, OSI Holdings dành tới 98% tổng tài sản để đầu tư tài chính dài hạn (rót vào các công ty con). Điều này phản ánh bản chất “holdings” song cũng tạo ra sự bất cân xứng trong cấu trúc tài chính của công ty này. Cần biết khi kết thúc năm 2022, lượng tiền và tương đương tiền của công ty chỉ là 6 tỷ đồng. Năm trước đó (2021) con số này thậm chí chỉ là 1,3 tỷ đồng.

OSI Holdings cũng có vay mượn. Dư nợ vay khi kết năm 2021 là 206 tỷ đồng. Năm 2022, dự nợ vay là 131 tỷ đồng. Điểm khác biệt là công ty đã hoán đổi cơ cấu nợ, từ nợ vay ngắn hạn của năm trước sang nợ vay dài hạn của năm sau.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2021 – 2022, OSI Holdings ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu, từ 28 tỷ đồng (2021) tăng lên 80 tỷ đồng (2022). Biên lợi nhuận gộp rất cao, lần lượt là 71,4% và 77,5%.

Khấu trừ các loại chi phí, công ty ghi nhận khoản lãi sau thuế lần lượt là: 0,28 tỷ đồng và 42,9 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý trong bức tranh kinh doanh của OSI Holdings là mặc dù dành tới 98% vốn để đầu tư tài chính song doanh thu tài chính lại rất “khiêm tốn”, chỉ 1,4 tỷ đồng (2021) và 7,3 tỷ đồng (2022). Trong khi đó, chi phí tài chính 2 năm này lên tới 17 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh trong năm 2021 rất xấu khi âm tới 280 tỷ đồng, song được cải thiện vào năm 2022 với mức dương 60 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư cho thấy OSI Holdings hoạt động rất cầm chừng và bản thân bảng tài sản cũng cho thấy điều tương tự khi những biến động là rất ít.

Có thể nói, về cơ bản, OSI Holdings vẫn đang trong quá trình tích lũy. Với bối cảnh hiện nay, sự tích lũy đó có thể mang tới cho công ty này những cơ hội. Và nếu thành công, sau vài năm nữa, thị trường bất động sản Hà Nội rất có thể sẽ chào đón một tay chơi “đầy số má”.

Vĩnh Chi

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục