Sở hữu bất động sản thế chấp cực 'khủng', Vietcombank đang ráo riết thanh lý để thu hồi nợ xấu

Ngân hàng Vietcombank liên tục rao bán các bất động sản từ vài tỷ đến trăm tỷ để thu hồi nợ. Hiện Vietcombank có hơn 1,3 triệu tỷ đồng bất động sản đang thế chấp.

Vietcombank rao bán bất động sản thế chấp

Thời gian gần đây, ngân hàng Vietcombank liên tục rao bán các bất động sản thế chấp từ vài tỷ đến trăm tỷ để nhanh chóng thu hồi nợ xấu.

Mới đây nhất, Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Thép Sài Gòn (Công ty Thương mại Thép Sài Gòn).

Tính đến ngày 15/5, tổng dư nợ của Công ty Thương mại Thép Sài Gòn là 35,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 23,6 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi và lãi phạt. Hiện khoản nợ đang được ngân hàng liệt kê vào danh sách nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5).

Tài sản đảm bảo liên quan đến khoản nợ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ 148 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Khu đất có diện tích 72,1 m2, là đất ở đô thị lâu dài. Nhà ở trên đất là nhà cấp 3 có diện tích sàn 110,4 m2 (gồm 1 tầng và gác gỗ).

Được biết, đây là lần thứ hai khoản nợ này được rao bán, ở lần rao bán thứ hai giá khởi điểm giảm 10% so với lần đầu xuống còn 32,4 tỷ đồng.

Sở hữu bất động sản thế chấp cực 'khủng', Vietcombank đang ráo riết thanh lý để thu hồi nợ xấu - Ảnh 1

Từ đầu tháng 8/2022, ngân hàng Vietcombank có nhiều thông báo bán đấu giá loạt bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP HCM với giá từ 10 tỷ đồng đến hơn 30 tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.

Cụ thể, Vietcombank tại Quảng Ngãi thông báo bán đấu giá một bất động sản là khu resort Mỹ Khê của CTCP Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm 30.4 tỷ đồng. Đây là lô đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2042.

Vietcombank chi nhánh Bạc Liêu còn có thông báo bán đấu giá lô đất gần 500 m2 tại TP Hội An tỉnh Quảng Nam. Đây là lô đất ở nông thôn được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm 14,8 tỷ đồng. Tài sản trên thế chấp cho khoản nợ của CTCP Xây dựng và Thương mại Thiên Tân (trụ sở tại Đà Nẵng) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng.

Đồng thời, ngân hàng Vietcombank còn có thông báo đấu giá hai lô đất, mỗi lô đất rộng 180 m2 tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng với giá khởi điểm 7,7 tỷ đồng cho mỗi lô. Ngoài ra, một lô đất khác hơn 18.000 m2 tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi TP HCM được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm 11,7 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank chi nhanh Kỳ Đồng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm của Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là CTCP Tập đoàn Yên Khánh).

Tài sản sắp được đấu giá là quyền sử dụng lô đất rộng 5.073 m2 tỉnh Ninh Bình. Ngân hàng cho biết đây là lô đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng đến hết ngày 25/4/2058. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá trên là 150,9 tỷ đồng, chưa bao gồm nợ thuế phí, thuế VAT.

Hồi tháng 7/2022, ngân hàng Vietcombank cũng thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của công ty TNHH Nhật Anh với mức giá khởi điểm 10,9 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất có diện tích hơn 1.255 m2 tại huyện Hóc Môn. Ngân hàng cho biết lô đất trên là đất ở đô thị lâu dài, hiện trạng trên đất có 3 công trình tiền chế, không có giá trị.

Đồng thời, Vietcombank chi nhánh TP HCM cũng có thông báo khác về việc bán đấu giá tài sản thế chấp là 1.428 m2 đất tại huyện Bình Chánh với giá khởi điểm 12,6 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của công ty TNHH Kim loại Việt Phong để thu hồi nợ. Tài sản này được Vietcombank rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa ghi nhận kết quả, so với lần đăng thông báo hồi tháng 6/2021 mức giá đã giảm 1,43 tỷ đồng.

Sở hữu hơn 1,3 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp

Cho vay là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng nhưng đây cũng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp. Đối với các ngân hàng hàng thương mại, hoạt động định giá bất động sản thế chấp có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cho việc ra quyết định cho vay, đầu tư, góp vốn, cấp vốn vào các dự án, góp phần hạn chế nợ xấu và rủi ro tín dụng.

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho, khoản phải thu,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Tính đến cuối quý 2/2022, lượng tài sản đảm bảo ngân hàng Vietcombank nắm giữ làm tài sản thế chấp là gần 1,833 triệu tỷ đồng, tăng gần 200.000 tỷ, tương đương 12% so với đầu năm.

Trong đó, bất động sản thế chấp tại ngân hàng vượt 1,330 triệu tỷ, tăng hơn 167.000 tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 14% và chiếm gần 73% tổng tài sản thế chấp. Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank ở mức 167%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,67 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,21 đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại Vietcombank
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại Vietcombank

Với lượng bất động sản thế chấp khủng cỡ này, Vietcombank luôn đi đầu trong việc  thanh lý bất động sản để thu hồi nợ xấu. Đồng thời, nhà băng này luôn nằm trong top ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất ngành.

Tính đến 30/6/2022, tổng nợ xấu tại Vietcombank tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận gần 6.694 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 80%, chiếm 1.340 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 6% lên hơn 4.699 tỷ đồng và nợ nghi ngờ giảm 31% xuống còn 664 tỷ đồng.

Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ngân hàng Vietcombank (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại ngân hàng Vietcombank (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)

Bất động sản thế chấp ở ngân hàng bao gồm đất đai, nhà ở, nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các tài sản gắn liền với công trình xây dựng. Đó có thể là các tài sản hiện có, cũng có thể là các tài sản hình thành trong tương lai (tức là các tài sản hình thành trong và sau thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp) như lợi tức thu được từ sử dụng BĐS, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình xây dựng trong tương lai…

Bất động sản được các nhà băng ưu tiên nhận cầm cố, thế chấp hơn cả bởi đây là những tài sản có giấy tờ, chứng minh quyền sở hữu rõ ràng. Hơn nữa, giá trị bất động sản ít khi bị hao hụt như máy móc, xe cộ,.. mà thậm chí còn tăng giá trong tương lai. Khi phát sinh nợ xấu, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng trăm tỷ đồng, phía Vietcombank thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục mới có thể bán được thành công.

PV

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục