Singapore sản xuất thành công thịt nhân tạo bằng từ trường

Đại học Quốc gia Singapore mới đây đã công bố phương pháp mới cho phép nuôi thịt nhân tạo bằng từ trường. Công nghệ mới được đánh giá giúp làm tăng đáng kể hiểu quả so với các phương pháp đã có trước đó.

Trước tình hình lương thực ngày càng trở nên khan hiếm và sự yêu cầu ngày càng cao về vệ snh và an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trên khắp thế giới, trong những năm gần đây, các dự án sản xuất thịt nhân tạo đang ngày càng được ủng hộ và thúc đẩy.

Các công nghệ sản xuất thịt nhân tạo sao nhiều năm phát triển đang cung cấp ngày càng đa dạng các giải pháp 'xanh' hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn nhằm đưa ra các sản phẩm thay thế thịt động vật.

Mới đây, vào ngày 26/9/2022, các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã công bố một phương pháp mới trong việc nuôi thịt nhân tạo bằng cách gắn các tế bào động vật với nam châm, giúp tăng hiệu quả đáng kể cho các phương pháp nuôi thịt nhân tạo đã có từ trước.

Theo đó, các tác giả của nghiên cứu đã dùng một phương pháp độc đáo bằng cách sử dụng xung từ tính để kích thích sự phát triển của thịt dựa trên tế bào, do đó nuôi cấy các tế bào gốc nguyên sinh, được thu thập trong mô cơ xương và tủy xương.

Tại các thử nghiệm, trong 10 phút tiếp xúc với từ trường, các tế bào gốc đã giải phóng vô số phân tử có đặc tính tái tạo, trao đổi chất, chống viêm và tăng cường miễn dịch. Những phân tử này cần thiết cho sự tăng trưởng, tồn tại và phát triển của các tế bào thành mô.

Thông thường, các cơ bắp đã tự biết cách để tạo ra những gì cần thiết để giúp chúng tăng trưởng và phát triển. Cơ bắp chỉ đơn giản là cần thêm một yếu tố "động viên" từ bên ngoài và chính luồng từ trường đã thực hiện điều này.

Singapore sản xuất thành công thịt nhân tạo bằng từ trường - Ảnh 1

Nhóm nghiên cứu từ NUS cho biết việc thu hoạch thịt từ phương pháp mới này sẽ diễn ra hoàn toàn trong phòng thí nghiệm theo một cách an toàn, thuận tiện và với mức chi phí thấp.

Bằng cách này, các tế bào gốc nguyên sinh sẽ hoạt động như một lò phản ứng sinh học bền vững và an toàn để tạo ra các túi tiết giàu chất dinh dưỡng cho việc phát triển thịt quy mô lớn. Kết quả này tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa các loại thịt nhân tạo trên thị trường.

Ngoài việc sử dụng để nuôi thịt nhân tạo, phương pháp mới của NUS cũng có thể ứng dụng trong y học tái tạo.

Nhóm nghiên cứu từ NUS đã sử dụng các protein tiết ra để điều trị các tế bào không khỏe mạnh với kết quả đầy hứa hẹn. Họ phát hiện ra rằng những protein này đã giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển của các tế bào bị suy yếu của con người. Phát minh đã cho thấy tiềm năng của kỹ thuật mới trong việc giúp chữa trị các tế bào bị thương và tăng tốc độ phục hồi của bệnh nhân.

 

Hải An

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục