Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có vốn đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD (hơn 230.000 tỷ đồng), công suất 16 triệu tấn/năm.
Nhiều người dân tại hai xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) lo lắng siêu dự án thép có thể gây ô nhiễm môi trường, việc mưu sinh từ nghề biển sẽ bị ảnh hưởng - Ảnh: Tuổi trẻ
Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công đầu năm 2017. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này dự án Hoa Sen – Cà Ná mới được thông qua về mặt chủ trương, chủ đầu tư đang xây dựng dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và hiện vẫn chưa có đánh giá tác động về môi trường.
Sau khi nghe thông tin HSG lập siêu dự án cán thép tại khu vực này, ông Nguyễn Văn Sỹ (một người dân ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná) bày tỏ lo lắng nguy cơ tái diễn thảm họa đối với môi trường như thép Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, nếu không được kiểm soát kỹ.
“Người dân sẵn sàng nhường đất cho dự án nếu được thông tin rõ ràng, được hỗ trợ bồi thường thỏa đáng và công ty phải cam kết đảm bảo môi trường... Bởi chất thải nhà máy tràn ra biển và đồng muối, cuộc sống chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm, mất kế sinh nhai” - ông Sỹ lo lắng.
Trước nguy cơ về sự cố môi trường, ông Lê Phước Vũ - chủ tịch HĐQT HSG - khẳng định: "Chúng tôi sẽ xây hồ chứa sinh học rộng 20-30ha để xử lý nước đến khi đạt chuẩn, sau đó tái sử dụng. Tuyệt đối không để một giọt nước chưa xử lý nào lọt ra biển".
Ông Vũ tuyên bố: "Nếu dự án của chúng tôi xảy ra tình trạng tương tự như của Formosa, tôi khẳng định và cam kết những cổ phần, tài sản đang có của tôi ở Tập đoàn Hoa Sen tôi sẽ giao hết cho Nhà nước". Đại diện HSG còn cam kết sẽ chi trên 20% tổng vốn đầu tư dự án cho xử lý ô nhiễm môi trường.
Bình luận về tuyên bố trên của Chủ tịch HSG, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cho rằng, trong trường hợp xảy ra sự cố và Nhà nước (căn cứ vào lời cam kết) lấy tài sản của doanh nhân để xử lý, chắc chắn thế giới sẽ nhìn nhận Nhà nước tước đoạt tài sản của doanh nghiệp. “Nhà đầu tư cũng không nên cam kết như vậy vì có thể gây hiểu lầm cho cộng đồng đầu tư quốc tế” - ông Tuấn nói.
Với tuyên bố của chủ đầu tư là sẽ bắt tay thực hiện dự án vào đầu năm tới, nghĩa là chỉ còn bốn tháng để “chạy đua” trước khối lượng công việc quá đồ sộ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng nhà đầu tư và cả chính quyền tỉnh Ninh Thuận đã “quá vội vàng, hấp tấp”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Hiện chưa thể nói có nên hay không làm khu liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận, nhưng cần phải thực hiện điều mà Thủ tướng đã nói là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.
Môi trường còn quý giá hơn là sự phát triển. Cho đến bây giờ, kể cả cá biển, nước biển miền Trung có đang phục hồi thì sự phục hồi của du lịch cũng không thể ngay lập tức mà còn lâu mới có thể phục hồi được. Sự trả giá nếu để xảy ra ô nhiễm là quá lớn".
Phương Anh (TH theo Tuổi trẻ, Một thế giới)