Hiện nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bị kích hoạt lệnh bán giải chấp cổ phiếu (bán bớt cổ phiếu bằng mọi giá, để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định).
Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố các báo cáo giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã DIG).
Theo đó, Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp cùng một cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Thiên Tân vừa bị bán giải chấp hơn 8,6 triệu cổ phiếu DIG.
Cụ thể, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,04 triệu cổ phiếu DIG trong 2 ngày 27 và 28/10. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn tại DIG giảm xuố ng còn 9,59%, tương đương hơn 58,47 triệu cổ phiếu.
Tương tự, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT DIC Corp và là con trai của ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp gần 1,38 triệu cổ phiếu DIG trong hai ngày 31/10 và 1/11. Sau giao dịch, ông Cường còn sở hữu 61,3 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng tỷ lệ 10,06% cổ phần.
Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của DIC Corp là CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân bị bán giải chấp 4,2 triệu cổ phiếu DIG trong ngày 27/10. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Đầu tư Thiên Tân tại DIG giảm từ 15,4% xuống 14,7%, tương ứng gần 89,8 triệu cổ phiếu.
Lãnh đạo và cổ đông lớn DIG bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh cổ phiếu DIG liên tục giảm mạnh về vùng đáy 15 tháng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/11, thị giá DIG ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu, giảm 83% so với mức đỉnh hồi đầu năm.
Trước đó không lâu, ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) - vừa bị bán ra 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 28/10. Lý do là ông Hưng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu LDG, diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục bị bán tháo và giảm mạnh.
Đây không phải lần đầu ông Hưng bị bán giải chấp cổ phiếu. Trong đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng đã bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG của ông Hưng.
Tương tự, ông Đinh Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa bị Công ty Chứng khoán VPS bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC từ 24/10. Ước tính công ty chứng khoán thu về khoảng 283 triệu đồng. Lượng cổ phiếu HBC ông Thanh sở hữu đạt 87.850 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 0,03% vốn).
Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu HBC đang có chuỗi lao dốc mạnh thời gian gần đây.
Cuối tháng 10/2022, ông Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên hội đồng quản trị độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã: HDC) thông báo bị công ty chứng khoán bán giải chấp 73.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp xuống còn 0,13% vốn điều lệ, tương ứng 139.115 cổ phiếu).
Lâu hơn nữa, hồi tháng 5/2022, Công ty chứng khoán VNDIRECT công bố thông tin về việc ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Danh Khôi (NRC) bị bán giải chấp 2.576.400 cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 6/5.
Với mức giá khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm đó, giá trị dự kiến bán giải chấp để thu về margin khoảng hơn 46 tỷ đồng.
Tháng 4/2022, Chứng khoán VPS đưa ra thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán ký quỹ của khách hàng là người nội bộ của Công ty cổ phần LICOGI 14 (L14). Theo đó, VPS thực hiện bán giải chấp 200 cổ phiếu L14 do ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT L14 sở hữu.
Theo tìm hiểu, bán giải chấp cổ phiếu (Force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).
Hành động này thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu bị giảm xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư lại chưa nộp thêm tiền bù vào.
Thông thường trước khi bán giải chấp cổ phiếu, công ty chứng khoán sẽ thông báo để khách hàng biết trước. Nếu nộp thêm tiền, tài khoản ký quỹ sẽ trở lại ngưỡng an toàn, nhà đầu tư không bị bán giải chấp.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết