"Tương lai rất khó khăn nhưng nghề chọn người và quán cà phê chính là nơi để tạo cảm hứng, duy trì đam mê. Chúng tôi vẫn đang ấp ủ, xây dựng kế hoạch, chờ dịch Covid-19 đi qua và chờ khách trở lại…".
Những cú đấm bồi liên tiếp của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm ngưng và cũng không ít ông chủ phải làm thêm công việc khác để duy trì "đứa con" của mình.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Golden Smile Travel (chuyên tổ chức tour du lịch quốc tế, trụ ở tại quận Phú Nhuận, TP HCM), là một trong những công ty như vậy. Từ chủ doanh nghiệp du lịch với 7 năm có mặt trên thị trường đã phải "tay ngang" khi tự mở quán cà phê, tự pha cà phê cho khách…
Trước dịch, công ty có trên 70 nhân viên có lương, thưởng ổn định. Nhưng từ tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, khách giảm dần rồi không có khách khiến công ty lao đao, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, rồi cuối cùng là… không có doanh thu.
Nhân viên công ty cũng nghỉ dần, từng lĩnh vực, bộ phận. Và hiện tại chỉ còn khoảng 14 người nhưng đó là một sự nỗ lực rất lớn của chủ doanh nghiệp này.
"Qua từng đợt dịch, tôi thấy cái đáng sợ nhất là Covid-19 khiến du khách cảm thấy nản, mệt mỏi với du lịch, đăng ký tour rồi hủy, hoàn… Doanh nghiệp cũng phải ứng phó, từ tour quốc tế chuyển sang tour nội địa, rồi tour nội địa cũng vắng khách mỗi đợt dịch bùng phát. Có rất nhiều ý tưởng nhưng không dễ thực hiện khi dịch, vì du lịch là ngành dịch vụ" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nói.
Để nuôi dưỡng ý tưởng, có nơi cho bạn bè, đối tác, khách hàng và nhân viên gặp gỡ, chia sẻ, kết nối, "Tour cafe" của Golden Smile Travel ra đời, ngay dưới tầng trệt của tòa nhà công ty. Cũng do dịch nên quán vắng khách, duy trì cũng tốn chi phí trong bối cảnh công ty vẫn hoạt động, nhân viên vẫn làm việc, khách vẫn ít và Covid-19 lại bùng phát.
Theo ông Hoàng Phương, quán cà phê như một cái "hub" (trung tâm) để tạo cảm hứng cho mọi người trong công ty mỗi sáng đi làm, có nơi để gặp mặt, bạn bè đồng nghiệp trong ngành tới chia sẻ cả những cơ hội và khó khăn… "Tour cafe" là cái tên được ông chủ công ty du lịch đặt với hy vọng cả khách, nhân viên lẫn đối tác nhìn vào vẫn thấy tour là thấy còn du lịch.
Sau các đợt dịch, nhiều ông chủ nhận ra rằng doanh nghiệp nhỏ dù rất khó nhưng lại dễ tồn tại vì yếu tố linh hoạt, dễ xoay trở. Từ việc phục vụ những đoàn vài chục khách, giờ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ cần vài khách có thể nuôi sống công ty; có khách là phục vụ, có cơ hội tồn tại.
Dịch Covid-19 cũng đang làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, khi không còn thuần túy là đi tour trọn gói theo đoàn, khám phá từ điểm này sang điểm kia nữa. Tất cả đang thay đổi, du lịch sẽ phục vụ theo nhu cầu của từng khách, từng nhóm khách mang tính cá nhân hóa cao hơn và du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, kết hợp khen thưởng, trải nghiệm điểm đến…) sẽ lên ngôi.
Và những doanh nghiệp nào chuyển mình sang xu hướng mới để nắm bắt trong tương lai vẫn có cơ hội, trong đó có những công ty đang "chờ thời" như Golden Smile Travel.
"Đây cũng là quan điểm ứng phó với dịch Covid-19, sau những cú đầm bồi liên tiếp thời gian qua. Chúng tôi vẫn khó khăn nhưng vẫn nhìn thấy tương lai. Câu chuyện là nghề chọn mình, có đam mê, có ngọn lửa và quán cà phê chính là nơi để tạo cảm hứng. Những kế hoạch vẫn đang được ấp ủ, xây dựng chiến lược để chờ dịch đi qua, chờ khách hàng trở lại" – ông Nguyễn Trần Hoàng Phương chia sẻ.
Lo người làm du lịch bỏ nghề…
Dưới góc độ chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương chia sẻ lo ngại là rất nhiều người làm du lịch đang bỏ nghề. Hiện nhiều nhân viên đã nản với du lịch và khi dịch bệnh đi qua, ngành du lịch hồi phục nhưng nguồn nhân lực sẽ rất khó trở lại. Bởi dịch bệnh khiến người trong nghề nhận ra du lịch là ngành phụ thuộc quá nhiều vào các ngành khác, bị tác động nặng nề, nên với mức thu nhập tương tự, nhân viên sẽ có nhiều sự lựa chọn khác… Khi đó, nguồn nhân lực sẽ là vấn đề đau đầu của ngành.
Tác giả: Thái Phương/NLĐO