Kết thúc nửa đầu năm 2016, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) ghi nhận tổng tài sản ngân hàng đạt 91.000 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cuối năm 2015. Tính cho tới hết ngày 30/6, các khoản cho vay khách hàng và huy động vốn lần lượt đạt 53.000 tỷ đồng và 66.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% và 17% so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2016, thu nhập lãi thuần của SeABank đạt 719 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng một nghịch lý lại xảy ra khi mà thu nhập lãi thuần tăng mạnh thì lãi trước thuế của ngân hàng lại không tăng theo mà giảm đáng kể. Kết thúc quý 2, lãi trước thuế SeABank đạt 48 tỷ đồng, như vậy đã giảm tới hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm 2015. Lãi ròng sau thuế ngân hàng ước đạt chỉ khoảng 38 tỷ đồng, nếu xét toàn hệ thống thì khoản lãi ròng này của SeABank thuộc nhóm thấp nhất thị trường nửa đầu năm.
Nguyên nhân của việc lãi trước thuế ngân hàng giảm đáng kể trong khi thu nhập lãi thuần tăng là do, trong kỳ SeABank ghi nhận khoản thua lỗ trong một số mảng kinh doanh như kinh doanh ngoại hối báo lỗ gần 22 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Cùng với lỗ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối thì chi phí hoạt động ngân hàng trong kỳ lên tới 509 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2015. Cộng với chi phí dự phòng rủi ro tài chính cũng tăng tới 4 lần lên con số 170 tỷ đồng đã khiến lãi ròng ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng.
Có thể thấy giai đoạn đầu năm 2016 đối với bất kỳ ngân hàng nào cũng là giai đoạn tương đối khó khăn về các khoản trích lập dự phòng, khi mà nguyên nhân chính ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cuối cùng của ngân hàng chính là khoản trích lập dự phòng rủi ro tài chính này.
Quang Thắng