Sẽ thanh tra doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo Quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, sẽ tiến hành thanh tra vùng và thanh tra một số lĩnh vực, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Kế hoạch về công tác thanh tra năm 2023.

Theo đó, về thanh tra hành chính, cơ quan này sẽ thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công vụ của tổ chức và cá nhân; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, năm 2023, toàn quốc tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra toàn bộ doanh nghiệp/đơn vị nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% doanh nghiệp/đơn vị có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra toàn bộ doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2023.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra toàn bộ doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong năm 2023.

Bên cạnh đó, thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại 4 tổng công ty, công ty cổ phần và đơn vị thành viên, đơn vị liên kết. Đó là: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Bình Dương); Tổng công ty Điện lực Tp.HCM; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với 40 đơn vị thành viên.

Công tác thanh tra về lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ triển khai tại 3 tỉnh, thành phố. Đó là các địa phương: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Hưng Yên, với 28 doanh nghiệp.

Thanh tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tiến hành tại 3 địa phương (Hà Giang, Bình Định, Kiên Giang) với 18 doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kế hoạch thanh tra chia làm nhiều đợt trong năm, thực hiện tại nhiều tỉnh thành, có thanh tra phụ trách các vùng và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương cùng tham gia. Thời gian, danh sách doanh nghiệp thanh tra được công khai, đơn vị vi phạm quy định sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Thống kê đến hết tháng 9/2022, doanh nghiệp cả nước chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi lên gần 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 3,4% số phải thu.

Tính đến hết tháng 10/2022, toàn quốc có hơn 17,16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 1,6 triệu người với cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 620 nghìn người so với hết năm 2021.

Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tăng nhiều so với cùng kỳ và cuối năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có tăng so với cùng kỳ nhưng hiện vẫn giảm gần 90 nghìn người so với hết năm 2021.

Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 88,68 triệu người, tăng hơn 4,3 triệu người so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Tuy nhiên, vẫn giảm hơn 152 nghìn người so với hết năm 2021.

Minh Anh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục