Sau một năm ‘xuống đáy’, Hà Đô có gì để trở lại trong 2024?

Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) đã kết thúc năm 2023 với kết quả không thể tệ hơn khi doanh thu và lợi nhuận đều ở mức thấp kỷ lục trong vòng 5 – 6 năm qua. 2024, tập đoàn này có những cơ sở để kỳ vọng vươn lên, song nhà đầu tư vẫn có hơn một điều lo lắng.

Sau một năm ‘xuống đáy’, Hà Đô có gì để trở lại trong 2024?
Sau một năm ‘xuống đáy’, Hà Đô có gì để trở lại trong 2024?

Nốt trầm 2023 và kỳ vọng 2024

Hà Đô đã kết thúc năm 2023 với doanh thu 2.881 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước và thấp nhất trong 6 năm qua. Trên thực tế, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp, Hà Đô tăng trưởng âm về doanh thu (2021: -24%; 2022: -31%).

Kết quả đáng buồn này đến từ việc mảng bất động sản suy giảm quá mạnh (-75%), chỉ đạt 281 tỷ đồng, do tập đoàn hoãn mở bán Hado Charm Villas. Trong khi đó, mảng năng lượng (thủy – phong - quang điện) cũng không có sự đi lên, giảm 8%, đạt 1.938 tỷ đồng, do tình hình thủy văn bất lợi dưới tác động của El Nino. Với 2 mảng chủ lực đi xuống, sự tăng trưởng của các mảng phụ như: xây lắp, dịch vụ khách sạn, cung cấp dịch vụ và cho thuê bất động sản đầu tư đã không còn mang nhiều ý nghĩa.

Kết năm 2023, Hà Đô báo lãi sau thuế 905 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước. Đây cũng là mức lãi sau thuế thấp nhất trong 5 năm qua.

So với kế hoạch kinh doanh, Hà Đô chỉ hoàn thành được 89% mục tiêu doanh thu và 93% mục tiêu lợi nhuận, đánh dấu cho năm kinh doanh tệ nhất trong “một nhiệm kỳ” qua.

Bước sang năm 2024, Hà Đô được kỳ vọng sẽ đưa doanh số tăng trưởng dương. Cơ sở của kỳ vọng này tới từ việc tập đoàn sẽ mở bán Hado Charm Villas. Được biết, dự án này về cơ bản đã hoàn thành toàn bộ phần ngoài và đang trong trạng thái sẵn sàng bán ngay.

Đối với mảng năng lượng, tình hình thủy văn được dự báo sẽ trở nên thuận lợi hơn trong giai đoạn nửa cuối năm 2024. Bên cạnh đó, triển vọng sản lượng của các nhà máy điện mặt trời và điện gió vẫn được đánh giá tốt.

Hà Đô cũng được đánh giá tích cực về sức khỏe tài chính, kỳ vọng về việc tiết giảm chi phí tài chính là khá lớn khi năm qua, tập đoàn đã thanh toán xong nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp và đang trong trạng thái chưa mở rộng đầu tư – đồng nghĩa không có nhu cầu lớn về vay mượn. Điều này sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của tập đoàn.

Nhiều lo lắng

Tuy cơ sở của kỳ vọng tăng trưởng là thấy rõ, song cổ đông của Hà Đô vẫn có những lo lắng nhất định đối với kết quả kinh doanh năm 2024.

Đầu tiên là về bất động sản. Hado Charm Villas là dự án tốt nhất của Hà Đô vào lúc này, song chưa chắc đã mang lại lợi nhuận lớn năm 2024. Nguyên do là giá bán của dự án không hề thấp, thậm chí lãnh đạo Hà Đô nhiều khả năng sẽ còn “thong thả” chọn thời điểm mở bán để có được mức giá tốt nhất. Điều này có mặt tốt là giúp tối đa hóa lợi ích, song lại có mặt xấu là khiến tỷ lệ hấp thụ không cao.

Theo các phân tích, có khả năng Hà Đô sẽ tính bài “ăn dần” Hado Charm Villas trong suốt giai đoạn 2024 – 2026. Nguyên nhân là ngoài dự án này, Hà Đô hầu như chẳng còn gì để “ăn”, bởi một loạt dự án khác như: Hado Green Lane (quận 8, TP. HCM), Hado Linh Trung (Thủ Đức, Tp. HCM), Alia Bảo Đại (Nha Trang), Dịch Vọng Complex (Cầu Giấy, HN), Nongtha Central Park (Viên Chăn, Lào) vẫn còn đang trong trạng thái dở dang, cả về pháp lý lẫn tiến độ thực tế. Và lãnh đạo Hà Đô chắc hẳn không muốn nhìn thấy cảnh doanh số mảng bất động sản ngày càng lùi dần về mốc 0.

Trên thực tế, từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu mảng bất động sản của Hà Đô đã liên tục đi xuống, từ hơn 3.000 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 1.100 tỷ đồng, tức đều đặn mỗi năm giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2023, doanh số thậm chí là 281 tỷ đồng. Tất nhiên, nguyên nhân của việc sụt giảm doanh số này là do Hà Đô dịch chuyển trọng tâm kinh doanh sang mảng năng lượng, song cũng không thể phủ nhận một điều là các dự án bất động sản của tập đoàn này không đạt được nhiều bước tiến trong mấy năm qua.

Đối với mảng năng lượng, sự an tâm về hiệu quả hoạt động của các dự án cũng không thể xua tan nỗi lo về dự án SP Infra 1 (50MW) nằm trong danh sách 14 dự án điện mặt trời đang hưởng cơ chế giá FIT không đúng với nghị quyết và Hồng Phong 4 (48MW) sai phạm xây dựng trên mỏ dự trữ khoáng sản quốc gia. Số phận cuối cùng của 2 dự án này như thế nào cho tới nay vẫn là một dấu chấm hỏi, dù cho lãnh đạo Hà Đô đã có những trấn an với cổ đông.

Nhìn rộng hơn, mảng năng lượng của Hà Đô trong ngắn hạn sẽ hầu như không mở rộng về quy mô, do các dự án đang theo đuổi vẫn đang trong trạng thái chưa thể đóng góp vào doanh thu hoặc đang ở mức nghiên cứu.

Như vậy, có thể thấy, 2024 vẫn là một năm không hề dễ dàng với Hà Đô. Không phải ngẫu nhiên VCBS dự phóng kết quả kinh doanh của Hà Đô tiếp tục đi lùi trong năm này.

Điều an ủi với cổ đông Hà Đô là tập đoàn vẫn đảm bảo được tình hình tài chính lành mạnh với dòng tiền dồi dào từ các dự án điện. Về dài hạn, danh mục dự án điện khá tiềm năng và quả ngọt có thể đến từ định hướng đầu tư vào khu công nghiệp ở Ninh Thuận. Dĩ nhiên, đó đều là những chuyện ở tương lai xa.

Ái Châu Tử

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục