Sau đại dịch, Phục Hưng Holdings đang 'kinh doanh' ra sao?

Kết thúc quý đầu năm 2022, Phục Hưng Holdings (mã: PHC) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm nặng...

Phục Hưng Holdings vừa trúng loạt gói thầu trăm tỷ

Phục Hưng Holdings (mã: PHC) hiện là một trong 10 nhà thầu xây dựng lớn nhất tại Việt Nam, công ty khởi đầu từ vai trò một nhà thầu phụ trở thành nhà thầu chính đến tổng thầu xây dựng với hàng trăm dự án tầm cỡ. Trong đại dịch, doanh nghiệp xây dựng như PHC là một trong ngành kinh tế chịu tác động lớn bởi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid. 

Sau đại dịch, Phục Hưng Holdings đang 'kinh doanh' ra sao? - Ảnh 1

Sau đại dịch, các nhà thầu xây lắp như PHC đã quay trở lại nhịp độ công việc. Mới đây, doanh nghiệp này vừa thông báo trúng hai gói thầu hơn 200 tỷ đồng.

Cụ thể, Phục Hưng Holdings trúng thầu thi công kết cấu, hoàn thiện thô và cơ điện cho 123 căn thuộc dự án Nova World Hồ Tràm – The Tropicana. Gói thầu có tổng trị giá hơn 111 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến là 9 tháng.

Gói thầu thứ hai có giá trị khoảng 111 tỷ đồng là kết cấu hoàn thiện thô, hạ tầng kỹ thuật cảnh quan thuộc Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Ninh Bình. Thời gian thi công dự kiến là 7 tháng.

Trước đó, cuối tháng 4/2022, Phục Hưng Holdings thông báo về việc trúng thầu thi công 3 gói thầu với tổng giá trị hợp đồng trên 500 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp trúng thầu khu căn hộ Thủy Tiên thuộc khu đô thị thương mại và dịch vụ Văn Giang (Ecopark) có giá trị khoảng 320 tỷ đồng. Dự án dự kiến kéo dài 15 tháng.

Gói thầu tiếp theo là 81 căn thấp tầng thuộc Dự án khu đô thị mới An Lạc Green Symphony có giá trị gần 170 tỷ đồng và trúng gói thầu công viên ven kênh khu đô thị mới An Lạc Green Symphony trị giá gần 15 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 2/2022, Phục Hưng Holdings cũng công bố trúng gói thầu thi công Dự án Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường có giá trị gần 300 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thi công 8 tháng.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Phục Hưng Holdings ghi nhận trúng các gói thầu giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021, công ty trúng 19 gói thầu với giá trị 2.214 tỷ đạt 110% so với kế hoạch. Tuy nhiên, do đa phần các gói thầu công ty trúng thầu vào nửa cuối năm nên chưa ghi nhận nhiều doanh thu trong năm 2021.

Âm dòng tiền kinh doanh, Phục Hưng Holdings có đáng ngại?

Phục Hưng Holdings được thành lập từ năm 2002, hoạt động trong vai trò là một nhà thầu, nhà đầu tư bất động sản.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, Phục Hưng Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 419,4 tỷ đồng, tăng 60,2% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán 389 tỷ đồng, lợi nhuận gộp công ty thu về đạt 30,4 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, Phục Hưng Holdings tiết giảm khoản chi phí tài chính xuống còn 9,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Trong quý này, công ty không ghi nhận khoản mục chi phí bán hàng.

Đáng chú ý, trong quý 1/2022, Phục Hưng Holdings ghi nhận khoản lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 8,8 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, thu nhập khác cũng tăng mạnh từ 1,5 tỷ đồng lên mức xấp xỉ 3,6 tỷ đồng.

Kết quả, quý 1/2022, Phục Hưng Holdings đạt 9,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi thuế phí, công ty đạt 6,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng xấp xỉ 83% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy kết quả kinh doanh tăng trưởng khá ấn tượng, song dòng tiền kinh doanh tại Phục Hưng Holdings lại đang ở trạng thái âm.

Cụ thể, tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ (trên báo cáo tài chính hợp nhất) trong 3 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Phục Hưng Holdings ghi nhận âm hơn 82 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương gần 158 tỷ đồng.

Trong số này, hơn 85 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu, gần 80 tỷ đồng tăng hàng tồn kho. Riêng hai khoản này đã khiến dòng tiền của Phục Hưng Holdings bị giảm tới 165 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận trước thuế 9 tỷ đồng là yếu tố giúp giảm đi số âm dòng tiền mà Phục Hưng Holdings phát sinh trong quý vừa qua.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022

Vậy, Phục Hưng Holdings đã đọng nhiều tiền vào những khoản nào?

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, cuối tháng 3/2022, Công ty có gần 877 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng, tăng 8% so với đầu năm. 

Các khoản phải thu lớn có sự xuất hiện các tên tuổi như: CTCP bất động sản tập đoàn Tân Á Đại Thành (118 tỷ đồng); Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (gần 113 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Ecopark (18 tỷ đồng); CTCP đầu tư xây dựng TNCONS Việt Nam (12 tỷ đồng); CTCP BĐS Dầu khí SSG (gần 10 tỷ);...

Phục Hưng Holdings có gần 877 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng. (nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)
Phục Hưng Holdings có gần 877 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng. (nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của trong kỳ cũng âm gần 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm gần 20 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 3 tháng đầu năm 2022 âm hơn 118 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2021, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại Phục Hưng Holdings âm hơn 237 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 dương gần 288 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Bởi lẽ, báo cáo này chỉ ra được tiền của doanh nghiệp đi đâu về đâu, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền - một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Tại Phục Hưng Holdings, tuy công ty có lợi nhuận tốt nhưng hoạt động kinh doanh lại không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm. Điều này có thể khiến tình hình tài chính tại doanh nghiệp gặp nguy hiểm, thanh toán công nợ khả năng gặp khó khăn...

Sử dụng đòn bẩy nợ cao, Phục Hưng Holdings lên kế hoạch kinh doanh khủng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tại Phục Hưng Holdings ghi nhận hơn 2.480 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm, được hình thành từ 1.778 tỷ đồng nợ phải trả, tương đương tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản là 72% và chỉ có 702 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Do đó, nợ phải trả đang cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Các con số trên cho thấy Phục Hưng Holdings sử dụng đòn bẩy nợ cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ. 

Sau đại dịch, Phục Hưng Holdings đang 'kinh doanh' ra sao? - Ảnh 2

Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Hệ số này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Đáng chú ý, nợ vay tại Phục Hưng Holdings tính đến 31/3/2022 ghi nhận hơn 1.041 tỷ đồng, chiếm tới 59% nợ phải trả.

Chi tiết các khoản nợ vay tại Phục Hưng Holdings. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)
Chi tiết các khoản nợ vay tại Phục Hưng Holdings. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)

Thực tế, doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy nợ cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn do Covid-19, không lường trước rủi ro sụt giảm. 

Năm 2022, ban điều hành Phục Hưng Holdings đặt kế hoạch doanh thu 2.700 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với mức đạt được năm 2021; Lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng và giá trị hợp đồng ký mới là 2.700 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, ban lãnh đạo Phục Hưng Holdings cho biết, năm 2022, công ty sẽ tiếp tục đồng hành với các chủ đầu tư trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu và định hướng đầu tư lâu dài; Ưu tiên chào thầu các dự án Design & Build (thiết kế và thi công), tìm kiếm hợp tác với đối tác tiềm năng trong lĩnh vực hạ tầng, đẩy mạnh chào thầu sang lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp.

Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ và phần mềm vào các khâu của quản lý dự án, quản lý chặt phương án kinh tế, giảm hao hụt vật liệu, rác thải, tiết giảm chi phí quản lý dự án; Chú trọng công tác quản lý tiến độ, chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, xây dựng hình ảnh nhằm nâng cao vị thế của công ty và tạo nguồn việc trong tương lai.

Về lĩnh vực năng lượng, ban lãnh đạo công ty cho rằng tiềm năng vẫn còn rất lớn, mang lại nguồn thu ổn định trong dài hạn, do đó doanh nghiệp vẫn đặc biệt chú trọng và phát triển lĩnh vực này trong những năm tiếp theo.

Trong đó, đối với dự án thủy điện Nậm Núa 2, công ty phấn đấu thực hiện triển khai dự án vào quý IV/2022, dự kiến quý III/2024 hoàn thành và vận hành chạy thử và phát điện. Còn dự án điện mặt trời Long Sơn công suất 30MW, doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác thiết kế cơ sở. Cùng với đó, công ty cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm và nhận chuyển nhượng các dự án thủy điện nhỏ đã có thủ tục pháp lý, hiệu quả tốt để triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông Phục Hưng Holdings cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021.

Tính đến cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Phục Hưng Holdings là hơn 74,6 tỷ đồng. Trong số đó, công ty thông qua việc thưởng Hội đồng quản trị và Ban điều hành 30% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch, tương ứng số tiền hơn 3 tỷ đồng; Trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi 1 tỷ đồng và chia cổ tức bằng tiền (tỷ lệ cổ tức/cổ phần 8%) với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục