"Thay máu" cho Microsoft
Tiếp quản "gã khổng lồ" Microsoft, một mặt Nadella thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung mạnh vào khai thác phần mềm và điện toán đám mây, mặt khác ông tiến hành tái cấu trúc toàn bộ quy trình làm việc hiện tại của Microsoft.
Trong một lá thư gửi tới toàn bộ nhân viên của Microsoft, CEO Satya Nadella hứa sẽ “thanh lọc lại tổ chức và phát triển các quy trình kinh doanh lành mạnh hơn”. Và ông đã tiến hành đợt "thay máu" lớn nhất trong lịch sử của Microsoft.
Microsoft cắt giảm 18.000 nhân sự
Một trong những điểm nóng gần nhất trong chính sách của Nadella là quyết định cắt giảm 18.000 nhân sự. Giới chuyên gia cho rằng quyết định này được đưa ra nhằm tiết kiệm chi phí cho kế hoạch tích hợp các thiết bị cầm tay Nokia Oyj, dự kiến sẽ tiêu tốn từ 1,1 tỷ USD đến 1,6 tỷ USD trong vào 4 quý tới.
Tuy nhiên ở góc nhìn của Nadella thì hoàn toàn khác. Vị CEO mới này đã nhận thấy mục tiêu chính của Microsoft hiện tại là gia tăng năng suất và phát triển các nền tảng cho công nghệ mới. Mục tiêu này được cụ thể hóa thành hai định hướng chính: một là tập trung vào thực hiện gói Office cho e-mail, ứng dụng xử lý tài liệu; hai là tiếp tục phát triển các phần mềm thuộc hệ điều hành Windows, thương hiệu của Microsoft.
Hoài bão của Nadella cho cả hai mục tiêu này là làm cách nào để có thể cung ứng những loại sản phẩm phần mềm cho cả điện thoại thông minh lần các dịch vụ điện toán đám mây hơn là chỉ dừng lại với mảng PC. Và theo quan điểm của Nadella, mục tiêu này chỉ đạt được khi các kỹ sư thiết kế của Microsoft làm việc với khát khao thách thức khả năng của bản thân nhiều hơn là chỉ đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo.
Do đó, quyết định cắt giảm nhân sự hay tái cấu trúc bộ máy quản lý của Nadella không đơn thuần chỉ để tiết kiệm chi phí, đó còn là minh chứng cho việc thay đổi về văn hóa trong môi trường làm việc của Microsoft.
Khuyến khích nhân viên sáng tạo
Để khuyến khích nhân viên sáng tạo, Nadella đã quyết định thay thế cuộc họp thường niên với nhóm sản xuất của công ty bằng một chương trình hackathon nội bộ kéo dài một tuần diễn ra vào cuối tháng 7.
Với chương trình này, các kỹ sư của Microsoft phải thách thức bản thân dưới áp lực cao nhằm hoàn thành một sản phẩm phần mềm trong thời gian ngắn. Điều này sẽ giúp người dự thi không chỉ thu thập thêm nhiều kiến thức mà còn có thể khám phá, thử thách các giới hạn của bản thân khi tạo ra một sản phẩm mà bình thường phải mất vài tuần để hoàn tất.
Tuy nhiên, ngoài thời gian ngắn thì vấn đề chất lượng cũng được vị CEO này đặc biệt chú trọng. Bằng chứng là tháng 5 vừa qua, ông đã ra chỉ thị thu hồi lại kế hoạch phát triển phiên bản nhỏ cho dòng máy tính bảng Surface của Microsoft. Đến tháng 6, ông lại tiếp tục thông báo hủy kế hoạch phát triển chương trình truyền hình đầy tham vọng cho Xbox.
Dù cắt giảm lượng lớn nhân lực nhưng Nadella khẳng định: "Tôi muốn tạo nhiều điều kiện hơn cho mọi người thoải mái đặt ra những câu hỏi về bất cứ vấn đề hiện tại nào cần phải xử lý để Microsoft lớn mạnh. Tôi muốn chúng tôi trăn trở nhiều hơn, hơn hết là mạnh dạn thử nghiệm và dám thay đổi ".
Một bằng chứng khác cho thấy sự thay đổi đó là dưới thời Nadella, Microsoft không còn nhìn bất cứ thứ gì “không phải Windows” đều là kẻ thù của mình. Nadella nhìn vào Android chỉ như một nền tảng khác có thể chạy được phần mềm Microsoft và những dịch vụ điện toán đám mây.
Chính bởi cách nhìn mới đó mà ông cho rằng sử dụng những sản phẩm ứng dụng của các đối thủ chính cơ hội cho Microsoft phát triển và cũng là để cho nhân viên của ông có thể sáng tạo hơn nữa.
Không có chỗ cho nền văn hóa thụ động tại Microsoft dưới thời của Nadella. Vị CEO quyết tâm: "không có gì là không thể, khi chúng ta nghĩ về việc thay đổi văn hóa để đạt được chiến lược cốt lõi mới". Với những gì đã và đang làm, Satya Nadella muốn chứng minh ông thực sự là nhân tố thay đổi mà Microsoft rất cần ngay lúc này.
Phương Anh (Th)