Sập bẫy lừa đảo khi ham 'việc nhẹ lương cao' Online trên Facebook

Dạo một vòng Facebook, không khó để bắt gặp những bài đăng có nội dung tuyển dụng dành cho những người có nhu cầu tìm việc làm thêm như sinh viên, mẹ bỉm sữa, bà nội trợ… . Đánh vào tâm lý 'việc nhẹ lương cao', nhiều đối tượng đã bị sập bẫy lừa đảo.

Bẫy lừa đảo - việc nhẹ lương cao

Việc nhẹ, lương cao không cần cọc, vốn, không yêu cầu trình độ học vấn, chưa biết việc được đào tạo từ đầu. Yêu cầu chỉ cần có điện thoại hoặc laptop, làm việc hoàn toàn tại nhà, tháng nhận lương cơ bản 4-5 triệu…

Những lời mời gọi hấp dẫn cho các công việc ở đủ mọi hình thức như trực page, bán quần áo online, đăng bài tuyển dụng, tham gia đầu tư tiền ảo, chào mời lập nhóm chat kiếm tiền trên Zalo, …

Đó là một số trong rất nhiều hình thức bài viết được đăng tải để chào mời trên các hội nhóm Facebook mà chỉ khi “con mồi ” tò mò rồi liên hệ thắc mắc qua việc 'inbox' nhắn tin riêng cho người đăng tải thì mới biết được rõ yêu cầu của công việc.

Tới đây, người ham 'việc nhẹ, lương cao' sẽ rất dễ bị kẻ xấu dẫn dắt để chuyển tiền và sau đó mất trắng.

Sập bẫy lừa đảo khi ham 'việc nhẹ lương cao' Online trên Facebook - Ảnh 1

Chia sẻ về một lần bị lừa của bản thân, N.H.A, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 bạn đã tìm kiếm trên 1 trang fanpage và nhanh chóng tìm được một công việc mong muốn.

Theo mô tả của bên tuyển dụng, lương tháng được cam kết từ 3-4 triệu, không yêu cầu cao về kinh nghiệm và học vấn.

Khi đã đồng ý làm việc, bên tuyển dụng đưa N.H.A sử dụng 1 fanpage bán quần áo và công việc của bạn trong ngày chỉ là tư vấn cho các khách hỏi mua. Nếu bán được  thêm hàng, mỗi sản phẩm N.H.A sẽ nhận được thêm 10% hoa hồng.

Làm việc được 10 ngày, phía tuyển dụng nhắn A gửi 200.000 đồng qua tài khoản ngân hàng của người tuyển dụng với lời hứa hẹn để làm thống kê bảng lương cho tháng đầu tiên, cuối tháng hoàn trả số tiền đó vào lương.

Tuy nhiên, chỉ sau vài phút thực hiện chuyển tiền, fanpage mà N.H.A đang làm việc, người tuyển dụng và mọi liên hệ đều không cánh mà bay cùng số tiền 200.000 đồng.

Sập bẫy lừa đảo khi ham 'việc nhẹ lương cao' Online trên Facebook - Ảnh 2

Tương tự như N.H.A, Đ, sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đã bắt gặp đối tượng lừa đảo tương tự như vậy khi tìm việc làm thêm trên facebook. May mắn thay, Đ đã đủ tỉnh táo để không bị rơi vào bẫy lừa của đối tượng xấu.Ngay sau đó Đ cũng đã công khai những dòng tin nhắn trao đổi với đối tượng lừa đảo lên chính Facebook đó để cảnh báo mọi người.

Mới đây, trang Family Mart Vietnam đã đưa ra thông báo danh sách 23 trang Facebook mạo danh thương hiệu này để lừa đảo tuyển dụng nhân sự. Những trang mạo danh hầu hết lấy thông tin từ trang Facebook chính thức của Family Mart để đăng lại, khi có người liên hệ thì hẹn ứng viên đến phỏng vấn và yêu cầu đóng tiền, đã có nhiều người bị lừa và chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên.

Có thể thấy những hành vi lừa đảo tuyển dụng việc làm qua mạng có rất nhiều hình thức khác nhau, những yêu cầu công việc khác nhau và thường đánh vào tâm lí chủ quan, nhẹ dạ của các bạn sinh viên.

Tại sao hình thức lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' được cảnh báo nhiều nhưng vẫn không ngừng có thêm nạn nhân mới?

Những bài viết với thông tin đơn giản, ngắn gọn không vi phạm các quy tắc cộng đồng, liên hệ số điện thoại, chat để nhận việc chi tiết qua tin nhắn là một trong những cách giúp các đối tượng xấu lách các quy định kiểm soát và thực hiện hành vi lừa đảo.

Trên hết, có thể thấy, có rất ít nạn nhân sau khi bị lừa chịu lên tiếng để phanh phui những chiêu trò lừa đảo và cảnh báo mọi người. Hiếm thấy có bài viết đăng tải để phanh phui hành vi xấu, những bài viết có tính chất cảnh giác về các bẫy lừa đảo về cách thức, đặc điểm nhận ra hành vi lừa đảo.

"Coi đó là bài học để tránh", "thôi cũng bị lừa rồi thì tự rút kinh nghiệm" mà không dám mạnh dạn lên tiếng. Đó là tâm lí ngại tẩy chay, không dám đứng ra lên tiếng sau những lần bị lừa đảo của rất nhiều nạn nhân và nó đã vô hình chung đã tiếp tay cho những hành động xấu của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội.

Sập bẫy lừa đảo khi ham 'việc nhẹ lương cao' Online trên Facebook - Ảnh 3

Điều đó dẫn đến việc các bài đăng tuyển dụng mà các đối tượng lừa đảo đăng vẫn tràn lan trên các fanpage tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Do đó, nếu chính người trong cuộc, người từng từng trải qua lần  “sập bẫy ” ấy chia sẻ rộng rãi thông tin đó hơn thì sẽ hạn chế được phần nào những nạn nhân tiếp theo.

Cần làm gì để không bị sập bẫy 'việc nhẹ lương cao"?

Theo cơ quan chức năng, qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm lừa đảo công nghệ cao với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân

Mặc dù không ngừng đấu tranh và đưa ra thông tin cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến mới nhất nhưng danh sách nạn nhân vẫn tiếp tục dài ra không ngừng. Nguyên nhân chủ yếu là do  sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sập bẫy lừa đảo khi ham 'việc nhẹ lương cao' Online trên Facebook - Ảnh 4

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tuyển cộng tác viên online, trước hết, mỗi người chúng ta cần phải hiểu rằng, tất cả những công việc kiếm tiền quá dễ dàng đều tiểm ẩn cạm bẫy bất ngờ.

Đồng thời, người dân cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để không sập bẫy lừa đảo: Tìm hiểu kỹ đối tượng đăng tin tuyển dụng; Cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng; Khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện bên kia có dấu hiệu chần chừ trong việc thanh toán tiền thì cần dừng ngay việc mua hàng. Nếu tiếp tục mua sản phẩm theo yêu cầu của bên kia, nạn nhân sẽ càng mất thêm nhiều tiền chứ không có chuyện được hoàn tiền và hoa hồng.

Cần làm gì khi bị mất tiền oan do 'việc nhẹ lương cao"?

Rất khó để trình báo cơ quan chức năng đối với những trường hợp bị lừa đảo qua hình thức này bởi vì các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Bên cạnh đó, để dễ dàng 'thoát xác', các đối tượng lừa đảo cũng chỉ trao đổi với nạn nhân chỉ qua mạng nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực. Bởi vậy, thực hiện việc tố cáo những hành vi trên để được xử lý theo quy định của pháp luật cũng rất khó khăn.

Theo cơ quan chức năng, khi không may trở thành  nhân của chiêu trò lừa đảo, nạn nhân có thể tố cáo đến cơ quan Công an theo hướng dẫn sau:

- Tố cáo qua đường dây nóng của Công an địa phương: Ví dụ tại Hà Nội, gọi đến đường dây nóng 113 hoặc số 069.219.4053 của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tại TP. Hồ Chí Minh, gọi đến đường dây nóng 02838.413.744 hoặc 0693.187.680.

- Làm đơn tố cáo gửi đến Công an nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để được giải quyết. Theo đó, người tố cáo cần chuẩn bị đơn tố cáo; giấy tờ, chứng cứ chứng minh bị lừa đảo, giấy tờ nhân thân của nạn nhân…

Viết Sơn

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục