"Sao mai" mới của ngành giao thông?
Mới đây, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL1 - thi công xây dựng đoạn Km0+00 - Km40+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Đây là gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (tổng mức đầu tư 3.904 tỷ đồng).
Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Hải Đăng - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hugia - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên - Công ty cổ phần Công trình Long Hưng - Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy.
Trong liên danh nêu trên, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên nổi lên như một "thế lực" mới trong lĩnh vực giao thông khi sở hữu lượng dự án giao thông đáng nể.
Theo giới thiệu, Khang Nguyên là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, với hàng loạt dự án như cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng), cầu Nhật Lệ 3 (Quảng Bình), cầu Ba Láng (Cần Thơ), cầu Bến Rừng (Hải Phòng), dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cầu Đăng, công trình kè sông Tam Bạc (TP. Hải Phòng), dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cầu sông Chanh (Quảng Ninh), cầu Việt Trì (Phú Thọ), cầu Vàm Cống (Đồng Tháp), gói thầu CP1C đường sắt Bắc - Nam, cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc), cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài...
Thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, trong vai trò liên danh, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên đã tham gia tổng cộng 16 gói thầu và đã từng liên danh với 33 nhà thầu.
Ngoài gói thầu tại dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh nêu ở phần đầu, tháng 1/2024, công ty này cũng trúng thầu gói thầu SC1-CGNB-2023 - thi công và lắp đặt công trình sửa chữa hư hỏng hệ thống thiết bị điện trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam mời thầu.
Tháng 12/2023, Khang Nguyên trúng thầu gói thầu thi công xây dựng công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi mời thầu và gói thầu XL2 - xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức (từ Km14+950 đến Km17+500) do Công ty cổ phần Việt Quốc mời thầu.
Tháng 9/2023, Khang Nguyên trúng thầu gói thầu 03-XL thi công xây dựng phần cầu cạn và nút giao vành đai 3 đoạn Km2+350-Km3+400 (bao gồm cây xanh và chiếu sáng) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội mời thầu; tháng 7/2023 trúng thầu gói thầu thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam mời thầu...
Tháng 6/2023, Khang Nguyên trúng gói thầu CT3-PW-1.18 cải tại rạch Mương Củi, Xẻo Nhum, Ngã Bát và Mương Lộ (91B) do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP. Cần Thơ mời thầu; tháng 3/2023 trúng gói thầu số 13-XL thi công xây dựng đoạn Km47+000 –Km66+965,91 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) do Ban Quản lý dự án 85 mời thầu...
Cuộc chơi của những người "họ Cấn"
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên được đổi tên từ Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà, thành lập vào tháng 1/2005 và có trụ sở tại số 32 lô 1A khu đô thị mới Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà ban đầu có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Văn Trường góp 198 tỷ đồng, tương đương 99% cổ phần và ông Cấn Minh Đức góp 2 tỷ đồng, tương đương 1% cổ phần.
Đến tháng 6/2017, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà bất ngờ giảm vốn điều lệ xuống còn 12 tỷ đồng. Lúc này, ông Nguyễn Văn Trường góp 11,8 tỷ đồng và ông Cấn Minh Đức góp 120 triệu đồng.
Tháng 7/2017, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này tiếp tục thay đổi khi ông Trường rút khỏi danh sách và có thêm sự xuất hiện của 4 cá nhân khác. Trong đó, ông Cấn Minh Đức góp 4,2 tỷ đồng; bà Cấn Thị Hạnh góp 3,72 tỷ đồng; bà Cấn Thị Hiến góp 3 tỷ đồng; ông Vương Đức Thọ và ông Lại Thế Thành lần lượt góp 600 triệu đồng và 480 triệu đồng.
Tháng 7/2018, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi với phần lớn cổ phần thuộc về 3 người họ Cấn. Tháng 4/2019, bà Cấn Thị Hạnh và bà Cấn Thị Hiến rút khỏi danh sách cổ đông. Thế chỗ 2 bà này là bà Cấn Thị Hiếu với 7,5 tỷ đồng vốn góp, tương đương 25% cổ phần.
Tháng 6/2020, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà tiếp tục thay đổi khi ông Cấn Minh Đức, ông Vương Đức Thọ và ông Lại Thế Thành rút khỏi danh sách. Lúc này, bà Cấn Thị Hiếu góp 22,5 tỷ đồng, tương đương 75% cổ phần. Danh sách cổ đông xuất hiện thêm 2 thành viên mới, gồm: ông Nguyễn Thanh Tân góp 3 tỷ đồng, tương đương 10% cổ phần và ông Cấn Hồng Lai góp 4,5 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần.
Tháng 6/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng. Trong đó,ông Cấn Hồng Lai góp 9 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần; Trần Thị Tuyết Mai góp 12 tỷ đồng, tương đương 20% cổ phần; Cấn Thị Hiếu góp 33 tỷ đồng, tương đương 55% cổ phần; Nguyễn Thanh Tân góp 6 tỷ đồng, tương đương 10% cổ phần.
Tháng 2/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà lại giảm vốn điều lệ về mức 30 tỷ đồng. Trong đó, Cấn Thị Hiếu và Cấn Hồng Lai lần lượt nắm giữ 75% và 15% cổ phần. Số cổ phần còn lại (10%) thuộc về Nguyễn Thanh Tân.
Tháng 4/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên và đến tháng 1/2023 lại tăng vốn lên 60 tỷ đồng.
Tháng 5/2023, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên tăng vốn điều lệ lên mức 160 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp gồm: Trương Trọng Duy, Tổng giám đốc; Nguyễn Thiện Thắng, Tổng giám đốc; Đào Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT.
Đáng chú ý, trong danh sách người đại diện nêu trên có ông Đào Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Khang Nguyên. Ông Tiến được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc tại Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) vào tháng 1/2022. Ngoài ra, ông Tiến cũng từng là Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1).
Tài sản hình thành từ những khoản nợ
Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2020 - 2022, tổng tài sản của Khang Nguyên liên tục được gia cố. Cụ thể, từ mức 260,6 tỷ đồng vào năm 2020, tài sản của doanh nghiệp này tăng lên 291,8 tỷ đồng vào năm 2021 và cán mốc 525 tỷ đồng vào năm 2022.
Cơ cấu tài sản của Khang Nguyên tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Trong 3 năm kể trên, hàng tồn kho của doanh nghiệp này đã tăng gấp 4 lần, từ mức 31 tỷ vào 2020 lên mức 122 tỷ đồng vào 2022.
Theo lý thuyết, việc duy trì hàng tồn kho lớn sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro khi nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm khiến cho giá bán cũng sụt giảm theo, từ đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp do giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn từ hàng tồn kho giá cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Về nguồn vốn, trong khi vốn chủ gần như không có nhiều thay đổi trong giai đoạn 2020 - 2022 khi chỉ loanh quanh ở mức hơn 27 tỷ đồng, thì nợ phải trả của Khang Nguyên lại ngày một gia tăng.
Cụ thể, năm 2020, nợ phải trả của Khang Nguyên ở mức 233,2 tỷ đồng (chiếm 89,6% tổng tài sản); năm 2021 là 264,4 tỷ đồng (chiếm 90,7% tổng tài sản) và năm 2022 là 497 tỷ đồng (chiếm 94,8% tổng tài sản). Dễ thấy, tài sản của doanh nghiệp này chủ yếu hình thành từ các khoản nợ.
Trong 2 năm 2021 và 2022, tất cả các khoản nợ của Khang Nguyên đều là nợ ngắn hạn. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 180 lần, từ 1,6 tỷ đồng (2021) lên 290,7 tỷ đồng (2022). Đây là một gánh nặng không hề nhỏ đối với Khang Nguyên.
Tại thời điểm 31/12/2022, Khang Nguyên ghi nhận 82,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, con số này vào năm 2020 chỉ là 7,2 tỷ đồng. Mức độ sử dụng đòn bẩy rất cao của doanh nghiệp càng trở nên đáng báo động trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Khang Nguyên cũng không mấy khả quan.
Thu trăm tỷ, lãi cỏn con
Theo đó, trong các năm 2020 - 2022, dù doanh thu thuần có mức tăng trưởng đến gần 10 lần, từ 36,9 tỷ đồng (2020) lên 68,3 tỷ đồng (2021) và cán mốc 356,2 tỷ đồng (2022), nhưng giá vốn bán hàng neo ở mức cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Khang Nguyên cũng "teo tóp" đi nhiều.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí (tài chính, lãi vay, quản lý doanh nghiệp), Khang Nguyên báo lỗ 3,7 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh nghiệp lãi ròng 19,3 triệu. Năm 2022 với doanh thu kỷ lục hơn 356 tỷ đồng, công ty cũng chỉ báo lãi hơn 677 triệu đồng.
Lũy kế giai đoạn này, Khang Nguyên thu về gần 500 tỷ đồng doanh thu, song lại lỗ đến hơn 3 tỷ đồng, phản ánh một bức tranh tài chính không mấy khả quan.
Liên quan đến hoạt động tín dụng, dữ liệu mà VietnamFinance có được cho thấy thời gian gần đây, Khang Nguyên cũng tích cực sử dụng các tài sản của mình để làm tài sản bảo đảm tại nhiều ngân hàng.
Cụ thể, vào tháng 12/2022, tại Ngân hàng VPBank - chi nhánh Kinh Đô, Khang Nguyên sử dụng quyền đòi nợ phát sinh từ tất cả các hợp đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh ký với Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ làm tài sản bảo đảm. Đến tháng 6 và tháng 7/2023, tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Hai Bà Trưng, Khang Nguyên dùng 1 máy khoan cọc nhồi Sany SR360R và máy đào bánh xích Kobelco SK210DLC-8 làm tài sản bảo đảm.
Đến tháng 10/2023, tại Ngân hàng Techcombank, Khang Nguyên sử dụng toàn bộ hàng hóa đã, đang và sẽ hình thành thuộc sở hữu của mình, cùng toàn bộ các quyền đòi nợ và khoản phải thu phát sinh từ các hợp đồng/thỏa thuận với bên thứ ba làm tài sản bảo đảm.
Vietnamfinance
In bài viết