Sân bay có được cấp sổ đỏ sau khi xã hội hoá?

Tại phiên chất vấn sáng 10/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời một loạt câu hỏi của đại biểu liên quan đến điều kiện cấp sổ đỏ cho sân bay.

Tại phiên chất vấn sáng 10/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã trả lời một loạt câu hỏi của đại biểu liên quan đến điều kiện cấp sổ đỏ cho sân bay.

Cụ thể, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) về xã hội hóa các cảng hàng không, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định chủ trương này đang được thực hiện rất tốt.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội.  
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội.  

Các dịch vụ mặt đất từ bãi đỗ đến sửa chữa tàu bay, cung cấp xăng dầu, suất ăn đều do doanh nghiệp tham gia theo quy định của pháp luật. “Với tất cả dịch vụ này, các doanh nghiệp phù hợp đều có thể tham gia thực hiện trong khu vực sân bay”, ông Thể nói.

Nhưng sau thực tế đầu tư xã hội hóa nhà ga hàng không ở hai cảng hàng không Đà Nẵng và Cam Ranh, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết đã nhận thấy một số vấn đề khiếm khuyết.

Theo ông, Bộ Giao thông vận tải đang kiểm điểm nội bộ, thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, điều chỉnh một số nội dung, trong đó có nội dung quan trọng về cấp sổ đỏ cho các cảng hàng không.

Sân bay Vân Đồn là sân bay xã hội hoá. Ảnh: Vnexpress.  
Sân bay Vân Đồn là sân bay xã hội hoá. Ảnh: Vnexpress.  

“Vấn đề cấp sổ đỏ cho cảng hàng không lại liên quan đến quân sự vì tất cả cảng hàng không trước đây do quân đội quản lý, sau đó chuyển dần qua dân sự”, ông Thể giải thích.

Ông cho biết trên trên một sân bay gồm 3 loại đất: Đất quốc phòng, đất chuyên dụng cho hàng không và đất dùng chung giữa quân đội và hàng không.

Vì vậy, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, xin kinh phí từ Bộ Tài chính và tập trung công tác kiểm đếm, đo đạc, lập sổ đỏ cho các sân bay, sau đó sẽ tiếp tục xem xét đề xuất của nhà đầu tư liên quan việc xây dựng nhà ga theo hướng xã hội hóa.

“Những sân bay mới như Vân Đồn, Lào Cai chúng tôi kêu gọi xã hội hóa toàn bộ. Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng toàn bộ sân bay từ đường băng đến nhà ga để đầu tư. Việc này không hạn chế và Chính phủ đang khuyến khích”, ông Thể nhấn mạnh.

'Chạy đua' xin làm sân bay

Thời gian gần đây, hàng không tăng trưởng “nóng”, các địa phương liên tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chính phủ đầu tư xây dựng sân bay mới, hoặc đưa vào quy hoạch sân bay đầu tư trong thời gian tới. Điều này lại gây lo ngại “lạm phát” sân bay, lãng phí nguồn lực đất nước, nhất là khi đa số các sân bay chưa bao giờ có lãi.

Nhiều địa phương rất mong được xây dựng thêm sân bay. Ảnh: CafeBiz.

Mới đây nhất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa (khu vực phía Nam Hà Nội). Trong khi Bộ GTVT đang nghiên cứu phương án mở rộng sân bay Nội Bài với tổng vốn đầu tư theo các đề xuất có thể lên tới khoảng 5,5 tỷ USD. Hay với Hải Phòng, dù đã có sân bay Cát Bi, vẫn tiếp tục kiến nghị cho xây thêm sân bay Tiên Lãng.

Trước đó, Lào Cai cũng kiến nghị Chính phủ cho đầu tư sân bay Sa Pa theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với quy mô phục vụ 3 triệu lượt khách/năm. Tổng mức đầu tư sân bay này dự kiến hơn 4.100 tỷ đồng. Trong đó, địa phương xin ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 651 tỷ đồng, ngân sách địa phương lo 543 tỷ đồng, còn lại kêu gọi vốn đầu tư tư nhân.

Ngay như Hà Tĩnh, chỉ cách sân bay Vinh (Nghệ An) chưa tới 50km, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình khoảng 150km), tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua, cũng kiến nghị được quy hoạch 1 sân bay, với kỳ vọng đầu tư trước năm 2030. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nhận được kiến nghị bổ sung vào quy hoạch sân bay như Cao Bằng, Ninh Thuận, Bạc Liêu… Ngoài lý do an ninh quốc phòng, các địa phương đều kỳ vọng, có sân bay sẽ giúp kinh tế địa phương vươn lên.

Tác giả:Q.L

Travelmag
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục