Sacombank tăng cường rao bán loạt bất động sản có giá 'khủng' thu hồi nợ

Chưa đầy 3 tháng đầu năm, Sacombank đã ráo riết rao bán loạt bất động sản có giá trị ‘khủng’ để thu hồi nợ. Đáng lưu ý, kết thúc năm 2020, dòng tiền kinh doanh tại Sacombank giảm 77%, nợ phải trả gấp 16 lần vốn chủ sở hữu.

Những tháng đầu năm 2021, loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 với kết quả kinh doanh khả quan bất chấp Covid-19. Kèm theo đó là động thái rao bán đấu giá, thanh lý hàng loạt bất động sản (BĐS) là tài sản thế chấp để thu hồi món nợ có giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Sacombank ráo riết rao bán loạt bất động sản có giá trị ‘khủng’

Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB)  đã thông báo rao bán hàng loạt BĐS tại TP. HCM với tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đầu tiên, ngày 13/1 vừa qua, Sacombank đấu giá các tài sản thuộc quyền sở hữu của CTCP Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để xử lý nợ xấu. Tài sản đấu giá bao gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20.803 m2 tại Phường 6, Q8, TPHCM thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng thửa đất số 464 và 544, tờ bản đồ số 02 với tổng diện tích 12.669 m2 tại Q8, TPHCM. Sacombank rao bán với giá khởi điểm 640 tỷ đồng.

Sacombank tăng cường rao bán loạt bất động sản có giá 'khủng' thu hồi nợ - Ảnh 1
Sacombank tăng cường rao bán loạt bất động sản có giá 'khủng' thu hồi nợ - Ảnh 2

Tại quận Tân Phú, ngày 28/1 Sacombank tiếp tục đấu giá quyền sử dụng đất tọa lạc tại 245/61B Hòa Bình, P. Hiệp Tân với tổng diện tích 6.327 m2 thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong với giá khởi điểm 397 tỷ đồng.

Sacombank tăng cường rao bán loạt bất động sản có giá 'khủng' thu hồi nợ - Ảnh 3
Quyền sử dụng đất tọa lạc tại 245/61B Hòa Bình, P. Hiệp Tân.
Quyền sử dụng đất tọa lạc tại 245/61B Hòa Bình, P. Hiệp Tân.

Tại quận Bình Thạnh, Sacombank đấu giá khu đất diện tích hơn 6.380 m2. Tài sản này được rao bán với giá khởi điểm gần 377 tỷ đồng. 

Tại quận 5, Sacombank cũng đấu giá loạt BĐS 41 Ngô Quyền và BĐS 163 Trần Hưng Đạo với diện tích lần lượt 422m2 và hơn 1.780 m2 với giá khởi điểm tổng 277 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sacombank còn đang đấu giá nhiều lô đất khác nằm rải rác tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 6, quận 12, quận 11…với giá trị từ 7,5 tỷ đến 257 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng cho biết, các ngân hàng ồ ạt rao bán nhà, đất cầm cố có thể cho thấy khoản nợ xấu BĐS tại ngân hàng không hề nhỏ.

Xoay quanh câu chuyện thanh lý tài sản đảm bảo, vị này cho biết với các tài sản giá trị thấp, ở mức khoảng vài tỷ đồng thì thanh khoản tương đối cao. Thế nhưng những tài sản giá trị lớn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng thường phải mất nhiều lần rao bán, thậm chí cả chục lần rao rồi hạ giá mới thanh lý được.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường BĐS và nền kinh tế, việc bán nhà, đất cầm cố của các ngân hàng là tin vui nhưng cũng ẩn chứa nhiều cảnh báo đáng lo ngại.

Dòng tiền kinh doanh tại Sacombank giảm 77%, nợ phải trả gấp 16 lần vốn chủ sở hữu

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Sacombank tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận gần 492.637 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2020, tổng nợ xấu tại Sacombank chỉ tăng nhẹ 1%. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020)
Kết thúc năm 2020, tổng nợ xấu tại Sacombank chỉ tăng nhẹ 1%. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020)

Tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng nhẹ 1% lên 5.780 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn và nợ dưới tiêu chuẩn giảm lần lượt 10% và 7%. Tuy nhiên, nhóm nợ nghi ngờ tại Sacombank lại tăng vọt 132%, lên mức 958 tỷ đồng.  Do dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 15% đạt 340.268 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,94% xuống 1,7%. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng từ mức 69,2% vào cuối năm 2019 lên 93,6%.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2020, ghi nhận thu nhập lãi thuần tại Sacombank tăng 25,6%, đạt 11.527 tỷ đồng. Các hoạt động ngoài lãi cũng được đẩy mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh khác lại giảm 21%, chỉ đạt 1.124 tỷ đồng lãi thuần. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của Sacombank cũng lỗ hơn 27 tỷ đồng.

Năm 2020, do chi phí hoạt động tại Sacombank tăng 19% lên mức 11.015 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận thuần của Sacombank chỉ tăng gần 17%, đạt hơn 6.255 tỷ đồng.

Sacombank tăng cường rao bán loạt bất động sản có giá 'khủng' thu hồi nợ - Ảnh 4
Kết quả kinh doanh của Sacombank trong năm 2020. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020)

Kết thúc năm 2020, chi phí dự phòng rủi ro tại Sacombank tăng 35% so với năm trước, lên mức 2.916 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ tăng gần 4 đạt 3.339 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 9% đạt 2.682 tỷ đồng. Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro cao hơn cả lợi nhuận sau thuế.

Xét về chất lượng sử dụng nguồn tiền của Sacombank cũng sụt giảm rõ rệt. Theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh giảm trong năm 2020 giảm mạnh 77% so với năm ngoái, xuống còn gần 2.987 tỷ đồng.

Hơn nữa, kết thúc năm 2020, nợ phải trả của Sacombank ghi nhận hơn 463.680 tỷ đồng, cao gấp 16 lần vốn chủ sở hữu.

Sacombank tăng cường rao bán loạt bất động sản có giá 'khủng' thu hồi nợ - Ảnh 5
Dòng tiền kinh doanh tại Sacombank giảm 77%.   (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020).
Dòng tiền kinh doanh tại Sacombank giảm 77%.   (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2020).

 

Hà Phương/ VnFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục