Sacombank lại tiếp tục "đại hạ giá" khối tài sản nghìn tỷ

Từ đầu năm, Sacombank (HoSE: STB) nhiều lần công bố thanh lý các khối bất động sản có giá trị cỡ trăm tỷ rải rác khắp cả nước nhưng vẫn trong tình trạng ế ẩm, buộc ngân hàng phải tiếp tục hạ giá.

Ngân hàng "gồng mình" xử lý nợ xấu

Sacombank đã và đang phải đối đầu với nhiều sự cố qua các cuộc đổi chủ, vướng vào nợ xấu và phải tự xây dựng lộ trình tái cấu trúc để phục hồi trở lại.

Hiện nay, xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề nổi cộm tại ngân hàng này. Việc xử lý nợ xấu thông qua thanh lý các khối bất động sản ở Sacombank đang được đẩy nhanh hơn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các khối bất động sản cần thanh lý của ngân hàng này đều trong tình trạng ế ẩm, buộc phải tiếp tục hạ giá.

Sacombank rao bán bất động sản QSDĐ thửa đất số 1283, 1302,1304 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM với tổng diện tích 76.246 m2, giá bán khởi điểm ban đầu là 1.330 tỷ đồng. Sau đó Sacombank tiếp tục rao bán bất động sản này với giá 1.197 tỉ đồng, giảm 113 tỉ đồng so với trước đây. Tuy nhiên, đến tháng 9/2019 giá khởi điểm của khối bất động sản này đã bị hạ giá còn 931 tỷ đồng.

Sacombank lại tiếp tục "đại hạ giá" khối tài sản nghìn tỷ - Ảnh 1
Ngân hàng thanh lý 4 quyền sử dụng đất tại Bình Chánh.

Dự án Nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông và một phần thửa đất số 122 thuộc khu B Bình Trị Đông. Tổng diện tích khu đất này lên tới hơn 530.000 m2 có giá khởi điểm là 5.026 tỷ đồng, cũng là tài sản rao bán lớn nhất hiện tại của Sacombank. Mức giá này thấp hơn so với 3 đợt rao bán trước đây. Trong 3 lần này, giá khởi điểm cho tài sản lần lượt là 6.696 tỷ đồng, 6.029 tỷ đồng và 5.695 tỷ đồng.

Đồng thời, ngân hàng hạ giá bán quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20,8 ha và 2 quyền sử dụng đất khác tổng diện tích 12,7ha tại quận 8, thuộc khu dân cư Bảo Hưng, TP HCM từ 928 tỷ đồng vào tháng 8 xuống còn 711 tỷ đồng.

15 quyền sử dụng đất tọa lạc tại ấp Ngãi Thắng, phường Bình An, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương có diện tích 29.654 m2 cũng được thông báo thanh lý với giá khởi điểm gần 538,2 tỷ đồng, con số này thấp hơn gần 359 tỷ đồng so với lần thông báo vào tháng trước.

Tiếp theo, Sacombank rao bán thửa đất số 2149 tại xã Tân Kiên huyện Bình Chánh, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.HCM có diện tích 52.976 m2 với giá khởi điểm 424 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tại thửa đất này chỉ còn 397.5 tỉ đồng, giảm 24 tỉ đồng so với trước đây.

BĐS rộng 6.382 m2 tại 36/70 đường D2, Phường 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM với giá khởi điểm ban đầu là 447.45 tỷ đồng. Sau đó bị hạ giá còn 423.9 tỷ đồng và hiện tại tài sản này tiếp tục bị hạ xuống còn 400.35 tỷ đồng.

Đất cơ sở SXKD ở số 245/61B Hòa Bình, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM có diện tích 6.327 m2 được ngân hàng này rao bán với giá khởi điểm hiện tại là 355 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn so với 2 đợt rao bán trước đây lần lượt là 413 tỷ đồng và 371.7 tỷ đồng.

Ngoài khối bất động sản nghìn tỷ tại TP.HCM, Sacombank còn đang thanh lý hàng loạt tài sản tại các tỉnh thành trên cả nước.

Tại Hải Phòng, Sacombank thông báo bán đấu giá khu đất 9.165 m2, có thời gian sử dụng 50 năm nằm ở ngã tư bùng binh Lê Hồng Phong và Lê Bỉnh Khiêm với giá khởi điểm là 400 tỷ đồng.

Theo sau là khu đất có diện tích 1.000m2 nằm trên đường Lý Hồng Thanh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ với giá bán khởi điểm là 130 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, Sacombank cũng dồn dập thanh lý nhiều bất động sản tồn đọng từ lâu. Cụ thể, huyện Thạch Thất, Sacombank thanh lý 5 bất động sản với tổng giá trị khoảng 6 tỷ đồng. Bất động sản tại quận Hoàng Mai được đấu giá ở mức 9,8 tỷ đồng có diện tích 165,4m2.

Hiện tại, ngân hàng còn khoảng hơn 40 bất động sản cần thanh lý tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Thanh Hóa, Đồng Nai, Trà Vinh, Đồng Tháp... Cụ thể, tại Gia Lai có khối tài sản cần bán diện tích 2.266m2 với giá khởi điểm 42 tỷ; 2 bất động sản tại Đồng Tháp có diện tích lần lượt 5.575m2 và hơn 2.990m2 với giá khởi điểm là 2,4 tỷ đồng và 19 tỷ đồng; QSDĐ tại thửa số 58, tờ bản đồ số 08 tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích hơn 57.659m2 với giá bán khởi điểm là 155,7 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, Sacombank còn tiến hành thông báo bán đấu giá hàng loạt khoản nợ với giá trị cỡ trăm tỷ đồng của hàng loạt các công ty.

Cụ thể, ngày 23/8 ngân hàng này thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Ngọc Sương với giá khởi điểm hơn 110 tỷ đồng; Khoản nợ của CTCP xây dựng Hữu Hậu có giá khởi điểm hơn 45 tỷ đồng; Khoản nợ của bà Đinh Ngọc Hương giá khởi điểm hơn 110 tỷ đồng; Khoản nợ Công ty TNHH Một thành viên Thép Hữu Liên với giá khởi điểm hơn 202,8 tỷ đồng; Khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Đông Phương Thảo có giá khởi điểm hơn 115 tỷ đồng; Khoản nợ của bà Trần Thị Mai Dung với giá khởi điểm hơn 106,6 tỷ đồng;...

Sacombank liệu có kịp "tốt nghiệp" Basel 2?

Sacombank lại tiếp tục "đại hạ giá" khối tài sản nghìn tỷ - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Năm 2018, Sacombank vẫn chật vật với quá trình xử lý nợ xấu. Đến cuối năm 2018, nợ xấu của Ngân hàng giảm gần một nửa nợ xấu so với đầu năm, chỉ còn 5,427 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ nhóm 3 giảm 87%, nợ nhóm 4 giảm 50%, nhóm 5 giảm 41%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm mạnh từ 4.67% xuống còn 2.11%.

Tiếp nối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2019, dù vẫn ở mức cao.

Hết quý I/2019, Sacombank đã xử lý được 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong năm 2019 ngân hàng này kỳ vọng sẽ xử lý 10.000 - 15.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo BCTC, tính đến hết ngày 30/6/2019 tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,04%, giảm so với mức 2,2% hồi đầu năm.

Đến nay, ngân hàng vẫn đang phải “gồng mình” để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng.Tuy nợ xấu đã giảm đáng kể, nhưng vẫn thuộc top ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Điều này sẽ ảnh hưởng tới cuộc "chạy đua" Basel 2 đang đến rất gần.

Năm 2015, Sacombank là một trong mười TCTD đầu tiên được NHNN lựa chọn thí điểm triển khai Basel 2. Đến ngày 1/1/2020 là thời điểm 10 ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel 2. Dù còn hơn 3 tháng nữa là đến hạn nhưng nhiều ngân hàng đã lần lượt thông báo "tốt nghiệp" Basel 2. Còn Sacombank vẫn đang im hơi lặng tiếng.

Được biết, năm 2018, Sacombank khởi động 2 dự án về quản lý rủi ro là “Hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro” và “Mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng”. Đây là 2 dự án quan trọng nhất của Sacombank trong quá trình tiến lên phương pháp tiếp cận nội bộ của Basel II.

Đến 2/2019, Sacombank và Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam cũng đã chính thức bắt tay khởi động dự án “Nâng cấp và hoàn thiện khung quản lý Tài sản Có – Tài sản Nợ (ALM)”. Việc đầu tư vào các dự án này cho thấy Sacombank đã và đang chuẩn bị tất cả nguồn lực hướng đến mục tiêu hoàn thành Basel 2.

Ngày 5/7/2019, Sacombank và Công ty TNHH PwC (Việt Nam) đã ký kết hợp đồng và khởi động dự án “Nâng cấp mô hình định giá và xây dựng mô hình tính toán vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường”. Dự án lần này giúp Sacombank tăng tốc lộ trình tiến tới áp dụng Basel 2. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 02/2020. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành lại quá hạn so với thời gian mà NHNN đã đưa ra buộc 10 ngân hàng thí điểm phải tuân thủ các quy định Basel 2.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục