Sabeco 'đốt' tiền cho ngôi vị số 1: Trăm tỷ thâu tóm DN, nghìn tỷ chạy quảng cáo

Sabeco dự kiến phải trích hầu bao hơn 831 tỷ đồng cho thương vụ M&A Sabibeco, đồng thời gia tăng chi phí A&P trong nửa cuối năm để hỗ trợ sản phẩm mới.

Chi hàng trăm tỷ thâu tóm Sabibeco

Theo nghị quyết của HĐQT công bố mới đây, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) đã thông qua việc thực hiện và phương án chào mua công khai cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco Group, UPCoM: SBB).

Tổng số lượng nắm giữ của Sabeco và người có liên quan tại Sabibeco trước khi chào mua là gần 19,9 triệu cổ phiếu SBB, tương đương 22,7% vốn cổ phần. Trong đó, Sabeco sở hữu trực tiếp là hơn 14,4 triệu đơn vị, chiếm 16,4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Sabibeco. Người có liên quan tới Sabeco nắm giữ 5,52 triệu đơn vị, chiếm 6,3%.

Sabeco 'đốt' tiền cho ngôi vị số 1: Trăm tỷ thâu tóm DN, nghìn tỷ chạy quảng cáo - Ảnh 1

Theo phương án được công bố, tổng số lượng cổ phiếu SBB mà Sabeco dự kiến chào mua là hơn 37,8 triệu đơn vị, tương đương 43,2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Sabibeco. Giá chào mua là 22.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 21% so với giá mở cửa cổ phiếu SBB trong phiên 9/9.

Với mức giá này, Sabeco dự kiến phải chi ra hơn 831 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ M&A. Nguồn vốn mà doanh nghiệp sử dụng lấy từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác. Được biết, Sabeco đang có khoảng hơn 23.300 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, bao gồm hơn 6.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn không quá 3 tháng) và hơn 17.300 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng tới dưới 1 năm.

Sau khi hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại Sabibeco sẽ tăng lên 65,9%, tương đương nắm giữ tổng cộng hơn 57,7 triệu cổ phiếu SBB. Hiện Sabeco là cổ đông lớn nhất tại Sabibeco. Nếu gia tăng sở hữu thành công, Sabeco sẽ nắm được quyền chi phối tại Sabibeco, đồng thời hợp nhất kết quả kinh doanh với doanh nghiệp này.

Cùng với đó, Sabeco cũng đưa ra loạt điều kiện huỷ bỏ đợt chào mua như số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỷ lệ tối thiểu hơn 25,1 triệu đơn vị (28,7% vốn cổ phần), SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết; SBB phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi kèm chứng quyền, quyền mua; SBB bán tài sản của công ty có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Việc thâu tóm Sabibeco không chỉ giúp Sabeco mở rộng sản xuất mà còn đưa hãng bia này trở thành doanh nghiệp bia có quy mô sản xuất lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), tính đến hết năm 2023, Sabeco có 26 nhà máy với công suất thiết kế 2,4 tỷ lít/năm.

Sabeco 'đốt' tiền cho ngôi vị số 1: Trăm tỷ thâu tóm DN, nghìn tỷ chạy quảng cáo - Ảnh 2

Với 6 nhà máy bia và tổng công suất 0,6 tỷ lít/năm của Sabibeco, sau khi hoàn thành M&A, thương vụ sẽ giúp nâng tổng công suất của Sabeco lên 3,01 tỷ lít/năm (tăng 25,4% so với công suất hiện tại). Hiện công suất thiết kế của các nhà máy bia Heineken tại Việt Nam là 2,78 tỷ lít/năm, Habeco là 0,8 tỷ lít/năm, Carlsberg là 0,36 tỷ lít/năm và Sapporo là 0,15 tỷ lít/năm.

Chạy đua quảng cáo, khuyến mãi

Sabeco mới đây đã ra mắt dòng sản phẩm mới (333 Pilsner). Điều này buộc doanh nghiệp phải gia tăng chi tiêu cho A&P (quảng cáo và khuyến mãi) và dự kiến sẽ chi mạnh tay hơn trong nửa cuối năm 2024 để xây dựng tệp khách hàng cho sản phẩm mới này. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcap, tỷ lệ chi phí A&P/doanh thu bia của Sabeco dự kiến đạt 10,4% trong nửa cuối năm 2024 so với 7,7% trong nửa đầu năm.

Luỹ kế nửa đầu năm, chi phí cho quảng cáo và khuyến mãi của Sabeco ghi nhận hơn 1.030 tỷ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy trung bình mỗi ngày, Sabeco đã chi ra khoảng 5,6 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi.

Sabeco ra mắt dòng bia mới, dự kiến phải gia tăng chi phí A&P trong nửa cuối năm
Sabeco ra mắt dòng bia mới, dự kiến phải gia tăng chi phí A&P trong nửa cuối năm

Trong giai đoạn 2018-2023, ngoài các chương trình khuyến mãi tiêu dùng, Sabeco đã tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu như Đại nhạc hội “Tự hào Việt Nam” 2018, Lễ hội âm nhạc The Chill Fest 2022, Lễ hội văn hóa ẩm thực Việt Nam 2023, Cuộc thi “Sao của mọi cuộc vui” 2022 và 2023, Lễ hội âm nhạc “The Chill Fest – Summer Adventure” 2023, Lễ hội bia Vũng Tàu 2023,…

Mặt khác, Sabeco còn là nhà tài trợ cho các giải thi đấu thể thao gồm tài trợ cho Ủy ban Olympic Việt Nam tham dự Sea Games 30, nhà tài trợ kim cương của Sea Games 31 năm 2022, đối tác hàng đầu và độc quyền trong ngành bia cho Đội tuyển bóng đá quốc gia từ 7/2022 đến 7/2025,…

FPTS cho biết, tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần của Sabeco tăng từ mức 7,6% năm 2018 lên mức 14,7% năm 2023. Trong đó, tỷ lệ chi phí quảng cáo và khuyến mãi/doanh thu thuần tăng từ 3,1% năm 2018 lên 9,2% năm 2023.

“Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, so với Heineken Việt Nam, các chuỗi sự kiện quảng bá thương hiệu của Sabeco có quy mô nhỏ hơn và ít mang tính chất thường niên hơn. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động bán hàng và quảng cáo chưa thực sự đem lại lợi thế rõ ràng cho Sabeco khi thị phần của doanh nghiệp này vẫn ghi nhận xu hướng giảm mạnh từ năm 2018 đến nay”, các chuyên gia của FPTS cho biết.

Bên cạnh đó, Sabeco cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt khi các doanh nghiệp bia nước ngoài cũng đang không ngừng nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu. Heineken Việt Nam đã tiến hành rất nhiều chiến dịch truyền thông để quảng bá thương hiệu, một số chiến dịch nổi bật đã dành được giải thưởng. Ngoài đầu tư cho các chiến dịch marketing, Heineken cũng tăng cường tổ chức các sự kiện mang tính thường niên với quy mô lớn như Đại tiệc âm nhạc Heineken Countdown, Tiger Remix, Đại nhạc hội EDM, Heineken Silver Music Party… tại các thành phố lớn.

Kết quả, FPTS cho biết trong giai đoạn 2020 – 2023, các thương hiệu bia của Heineken luôn dẫn đầu trong xếp hạng các thương hiệu bia nổi bật nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Một doanh nghiệp bia ngoại khác là Carlsberg cũng đang không ngừng gia tăng nhận diện thương hiệu của mình qua việc tăng cường đầu tư cho các hoạt động marketing và bán hàng. Năm 2023, Carlsberg Group đã đẩy mạnh đầu tư cho thị trường châu Á theo mục tiêu của chiến dịch SAIL 27. Chi phí marketing tăng 14,3% so với cùng kỳ và tỷ lệ trên doanh thu tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên mức 9% năm 2023.

Trong đó phần lớn sự gia tăng chủ yếu cho thị trường Việt Nam và Trung Quốc để tăng cường mức độ thâm nhập các thương hiệu bia của Carlsberg ở hai thị trường này. Việc tăng đầu tư cho hoạt động marketing và bán hàng đã giúp thị phần bia của Carlsberg ở thị trường Việt Nam năm 2023 tăng lên mức 9,2% (tăng 1,8 so với cùng kỳ).

Hải Đường

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục