Tài chính Doanh nghiệp trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán đối với phiên giao dịch ngày 9/3.
Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
Hôm 8/3, chỉ số VN-Index kết phiên với cây nến giảm điểm so với mở cửa phiên thứ ba liên tiếp kèm khối lượng tăng dần cho thấy lực bán đang mạnh dần trở lại.
Đà giảm phiên hôm 8/3 đã lan rộng toàn thị trường khi không chỉ nhóm trụ VN30 mà đến các nhóm ngành mạnh trước đó như phân bón – hóa chất, cảng biển hay dầu khí cũng đều chịu áp lực chốt lời.
Chỉ số vẫn duy trì tại vùng hỗ trợ tăng giá trung hạn tại 1.470-1.475 điểm nhưng trong ngắn hạn, xu hướng đi ngang đang dần chuyển sang giảm điểm.
Nếu các tín hiệu tiêu cực từ thị trường quốc tế tiếp tục tăng, chỉ số có thể kiểm tra lại vùng đáy đã thiết lập vào tháng 1 trước đó tại vùng 1.420 điểm.
Hiện tại, các nhóm ngành mạnh cũng đang gặp áp lực chốt lời nên rủi ro toàn thị trường chứng khoán tiếp tục tăng. TVSI kỳ vọng các nhóm ngành này sẽ tích cực trở lại trong các phiên giao dịch tới.
Chứng khoán BIDV (BSC)
Phiên sáng 8/3 diễn ra với sự giằng co quyết liệt, nhưng chỉ ngay khi vừa bước sang phiên chiều, bên bán đã độc chiếm thị trường và đẩy chỉ số lao dốc.
Sau những phiên tăng nóng, các cổ phiếu hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng như dầu khí, thép, phân bón đều bị chốt lãi mạnh. Các cổ nhóm cổ phiếu khác như ngân hàng, chứng khoán cũng bị bán theo đà giảm của thị trường. Độ rộng nghiêng về phía tiêu cực với 16/19 ngành giảm điểm.
Chỉ số VN-Index đang diễn biến khó lường trong biên độ rộng do diễn biến phức tạp của thế giới. Có thể giới đầu tư sẽ e dè trong những phiên tới, hoặc có thể sẽ có những dòng tiền nhanh nhạy bắt đáy và đẩy chỉ số bật lên.
Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường trong nước gặp áp lực chốt lời trên diện rộng hôm 8/3 với tâm điểm là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa cơ bản. Thanh khoản tăng lên mức cao khi nhóm cổ phiếu trụ cũng bị bán mạnh trong phiên chiều.
Nhìn chung, thị trường giảm phiên 8/3 do áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt trong những phiên gần đây như phân bón, dầu khí, thủy sản, cảng biển,… hơn là ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới, thậm chí thị trường Châu Âu và các hợp đồng tương lai Mỹ còn hồi phục và tăng điểm.
Khả năng VN-Index vẫn còn gặp áp lực từ nhóm bluechip, trong khi dòng tiền sẽ nhanh chóng quay lại đối với nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa cơ bản trong các phiên sắp tới.
Chứng khoán SHS
Hôm 8/3, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến phiên giảm mạnh thứ hai từ sau Tết với mức giảm 1,7% trên VN-Index, chỉ thấp hơn mức giảm 2% vào ngày 14/2.
Thị trường chứng khoán thế giới mà đại diện là chứng khoán Mỹ cũng đang có những diễn biến tiêu cực với việc chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã giảm hơn 10% từ mức đỉnh tạo vào đầu năm. Chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 20% từ mức đỉnh vào tháng 11/2021 để chính thức bước vào "thị trường gấu" (bear market). Thị trường Việt Nam rõ ràng là đang thể hiện tốt hơn hẳn các thị trường lớn trên thế giới.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, với phiên giảm mạnh hôm 8/3, VN-Index vẫn đang giữ biên độ dao động 1.470-1.520 điểm từ sau Tết đến nay và mẫu hình nến của 3 phiên gần đây khá giống với mẫu hình nến của 3 phiên từ ngày 10/2 đến 14/2.
Do đó, nếu như không có những sự kiện tiêu cực xảy ra trong đêm 8/3, chỉ số VN-Index có thể hồi phục trở lại trong phiên ngày 9/3.