Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính
Theo VOV, báo cáo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về Thẩm tra dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Khoản 2 Điều 36 dự thảo quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Khẳng định việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam..., theo Ủy ban pháp luật, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Bom (trái) ở Hải Phòng - Người chuyển giới từ nam sang nữ cùng với bố (Ảnh: VOV).
Theo ông Phan Trung Lý, Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan Nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện, thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.
Nhiều quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội
Liên quan đến quy định về quyền chuyển đổi giới tính, nhiều đại biểu Quốc hội khi tham gia đóng góp cho dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) vào sáng 10/6 đã đưa ra quan điểm khác nhau.
Trước hết là quan điểm cho rằng có sự "đá nhau" trong quy định. Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM), có thể hiểu, sau khi chuyển giới xong, người chuyển giới được quyền yêu cầu cơ quan chức năng xác định lại giới tính mới của mình. Nhưng nếu chúng ta xác định lại thì có nghĩ đã thừa nhận việc họ đã chuyển đổi giới tính. Trong khi đó, Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính. Ông Ánh cho rằng, nếu không thừa nhận ngay từ đầu thì khi người chuyển giới đề nghị, cũng không chuyển đổi giấy tờ cho họ.
Tin trên Tiền Phong, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nói, người ta đã lặn lội sang Thái Lan để chuyển đổi, nếu không thừa nhận thì dẫn đến pháp luật không phù hợp. Luật cần xuất phát từ đối tượng điều chỉnh để mà quy định. Vì thế việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính là hợp lý.
Trong khi đó, theo ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), trên thế giới nhiều nước đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, ở nước ta không nên thừa nhận, vì văn hóa dân tộc chưa cho phép. “Chúng ta chỉ thừa nhận những người nào đã chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực. Còn về sau thì không nên thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nữa”, ông Dũng nói.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 500 - 1.000 người ra nước ngoài chuyển giới, sau đó về nước sống. Do luật pháp nước ta hiện chưa cho phép thực hiện tại Việt Nam nên người chuyển giới phải sang nước ngoài làm “chui”, do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.
Hà Long (t/h)