Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019.
Số liệu kinh doanh quý I/2019 của Vinalines (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất, HK tổng hợp)
Quý I Vinalines đạt 2.769 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với cùng kỳ do giảm mạnh doanh thu từ mảng vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải từ mức 2.019 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 1.584 tỷ đồng quý I năm nay. Biên lợi nhuận gộp của Tổng công ty ở mức 12,3% tăng so với mức 10,9% cùng kỳ.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I
Hai khoản chi phí lớn nhất mà Tổng công ty phải gánh là khoản chi phí tài chính chủ yếu là tiền lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã ăn mòn hết toàn bộ lợi nhuận gộp của Vinalines chưa kể đến chi phí bán hàng và khoản lỗ ở công ty liên doanh, liên kết.
Trong kỳ nhờ khoản lãi từ thanh lý tài sản cố định hơn 45 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của Vinalines chỉ còn âm 30 tỷ đồng, giảm so với con số lỗ 105 tỷ đồng của quý I/2018.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm trước khi cổ phần hóa, Vinalines dự lỗ 164 tỷ đồng còn 6 tháng cuối năm lãi trước thuế của Tổng công ty là 468 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tổng công ty dự kiến chính thức đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2019 nên kế hoạch hoạt động kinh doanh được xác định làm hai giai đoạn.
Với kế hoạch đề ra, con số lỗ quý I của Vinalines chỉ bằng 18% so với tổng số lỗ dự kiến của cả Tổng công ty 6 tháng đầu năm.
Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Vinalines đạt 26.218 tỷ đồng. Hết quý I Tổng công ty có tới 2.137 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và hơn 3.140 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I
Hết quý I, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Vinalines ơn 756 tỷ đồng trong đó phần lớn nằm ở dự án xây dựng cảng Sài Gòn Hiệp Phước 209 tỷ đồng và cảng Vân Phong – Khánh Hòa gần 192 tỷ đồng . Đáng chú ý, dự án cảng Sài Gòn Hiệp Phước có chi phí xây dựng cơ bản đầu năm là gần 1.641 tỷ đồng nhưng tới hết quý I đã giảm đáng kể.
Tổng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của Vinalines tại ngày 31/3 là hơn 8.231 tỷ đồng chủ yếu là khoản vay ngân hàng và tổ chức tín dụng, phần nhỏ vay từ ODA và các đối tượng khác. Vốn lưu động của Tổng công ty kết thúc quý là âm 740 tỷ đồng bên cạnh khoản lỗ lũy kế tới hết kỳ là 2.990 tỷ đồng.
Ngày 23/4/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo về việc cổ phiếu MVN của Tổng công ty được ra khỏi diện hạn chế giao dịch và giao dịch trở lại bình thường từ ngày 26/4 do đã giải trình được ý kiến ngoại trừ với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Kiểm toán.
Trước đó ngày 8/10/2018, 5,4 triệu cổ phiếu MVN của Tổng công ty đã chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM thuộc HNX, với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì các vấn đề liên quan đến các công ty con trực thuộc của Vinalines đối với Báo cáo tài chính hợp nhất 2017 nên cổ phiếu MVN chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.
Ngày 5/9/2018, Vinalines đã đưa 488,8 triệu cổ phiếu ra đấu giá công khai nhưng chỉ bán được 5,4 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch cổ phần hóa, Vinalines sẽ có vốn điều lệ 14.046 tỷ đồng, như vậy lượng cổ phiếu giao dịch trên UPCoM chỉ chiếm chưa đến 0,4% vốn của Vinalines.
Diễn biến giá cổ phiếu MVN từ lúc chào sàn đến nay (Nguồn: VNDirect)
Sau khoảng nửa năm giao dịch UPCoM, kết phiên 9/5 giá cổ phiếu MVN chốt ở 14.100 đồng/cp, tăng 41% so với giá tham chiếu ngày chào sàn, tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu rất kém thậm chí nhiều phiên liền không có giao dịch.
Hoàng Kiều