Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông: Bài toán chưa có lời giải

(Kinhdoanhnet) - Dân số đông, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao đang là vấn đề phức tạp đặt ra với các khu đô thị. Làm thế nào để giải quyết nhu cầu nhà ở cho một số lượng cư dân đông như vậy đã là khó. Thế nhưng, giải quyết bài toán về giao thông trong các đô thị này còn khó hơn nhiều. Hơn thế nữa, nếu công tác quy hoạch không đảm bảo sự hài hoà giữa hai yếu tố này thì cái giá mà chúng ta phải trả sẽ là rất lớn.

Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông: Bài toán chưa có lời giải - Ảnh 1

Bài toán dân cư

Những năm gần đây, Hà Nội đang chịu áp lực lớn từ việc gia tăng dân số, nhất là trong khu vực nội thành. Theo số liệu thống kê cho thấy, sau 3 năm điều chỉnh địa giới hành chính, dân số Hà Nội đạt trên 7,1 triệu người. Điều đáng nói là trong 5 năm trở lại đây dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm; tốc độ tăng dân số bình quân của Hà Nội là 3%, trong đó, dân số cơ học tăng 1,8%... TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 7,8 triệu người với mật độ dân số cao gấp 13 lần một độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm thành phố tăng 208 ngàn người, gần bằng số dân một quận trung bình. 

Với số lượng dân số đông, và tỷ lệ tăng dân số cơ học hàng năm cao như vậy, các đô thị lớn của cả nước trong đó có Hà Nội đang phải chịu những sức ép rất lớn về kinh tế, xã hội, đặc biệt là sức ép về vần đề nhà ở và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông... 

Trước tình trạng quá tải dân số, hàng loạt những chung cư cao tầng đã mọc lên nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Đương nhiên, việc xây dựng các khu chung cư cao tầng là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Thế nhưng chính điều này đã và đang làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng tại các thành phố rơi vào tình trạng quá tải một cách nghiêm trọng. Nhất là tại các thành phố lớn và đông dân như Hà Nội và Tp.HCM. 

Cả hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc và ban đầu nó chỉ đáp ứng cho khoảng vài trăm nghìn người sinh sống tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Đến nay, con số đó đã tăng lên mức hàng triệu. Chính vì vậy mà việc quá tải cơ sở hạ tầng cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có đầy đủ các cơ quan làm nhiệm vụ quy hoạch, nhưng dường như các cơ quan, đơn vị này chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Tất cả những cảnh báo về mức độ quá tải của cơ sở hạ tầng tại khu vực trung tâm thành phố đều bị bỏ ngoài tai, bị lấn át trước lợi ích của các nhà đầu tư và các nhóm lợi ích khác. Và kết quả là các công trình, các tòa nhà cao tầng vẫn “lù lù” mọc lên hàng ngày, kéo theo đó là hàng ngàn lượt người lui tới sinh sống.

Và sức ép đối với hạ tầng giao thông

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có quá nhiều các điểm nóng giao thông. Có thể kể đến một số tuyến đường như đường Lê Văn Lương, đường Láng, tuyến đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng, Ngã tư Sở, Cầu Vượt Xuân Thủy... Tất cả các tuyến đường này đều tập trung một số lượng lớn các khu chung cư cao tầng với số lượng người dân sinh sống rất lớn. Vào giờ cao điểm, các tuyến đường này thường xuyên sảy ra ách tắc cục bộ.

Đường Lê Văn Lương, đoạn tiếp giáp với cầu vượt Lê Văn Lương – Láng Hạ, thường xuyên trong tình trạng quá tải vì lượng người tham gia giao thông quá đông. Gần đây, do có cầu vượt nên tình trạng tắc đường phần nào đã được cải thiện. Tuy nhiên vào những giờ cao điểm, người dân cũng phải mất từ 10 – 20 phút mới có thể di chuyển qua đoạn đường này.

Tình hình giao thông tại Đường Nguyễn Trãi đoạn cầu vượt Ngã Tư Sở cũng không khả quan hơn. Lượng cư dân sống lâu năm ở đây rất đông, đã thế, mấy năm gần đây, nhiều khu chung cư, trung tâm thương mại lại thi nhau mọc lên nhan nhản như Royal City, Mipec Tower. Hiện các toà nhà này đã được lấp đầy các căn hộ ở và cho thuê. Đó sẽ là mối đe doạ lớn cho giao thông tại khu vực này.

Trên tuyến đường Khuất Duy Tiến (đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến đến ngã tư giao cắt với đường Lê Văn Lương), lòng đường khá rộng lại có cả đường trên cao, tuy nhiên, vào giờ cao điểm đoạn đường này vẫn xảy ra ách tắc như thường. Nhiều người đi đường không đủ kiên nhẫn chờ đợi đã lái xe “trèo” cả lên vỉa hè để đi “chung” với người đi bộ. Tính trạng tắc đường dẫn tới xe nọ tranh, cướp phần đường của xe kia, rất dễ sảy ra xô sát... Và có lẽ cũng chính vì th ế mà nhiều tai nạn đáng tiếc đã sảy ra.

Tại các nước phát triển, mỗi một tòa nhà cao tầng trước khi xây dựng đều đã được tính toán kỹ lưỡng lưu lượng người qua lại cũng như các giải pháp cho vấn đề giao thông. Các công trình cao tầng chỉ được xây dựng khi cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông được đảm bảo đủ khả năng đáp ứng. 

Trong khu đó thì Việt Nam chúng ta lại đang làm ngược lại. Việc di chuyển các trung tâm thu hút ra ngoại thành để xây dựng nhà cửa, khu đô thị là một quy trình ngược so với thế giới. Nó đang làm gia tăng sức ép lên hạ tầng đô thị. Đáng lẽ ra, chúng ta phải di dời chính những khu chung cư cao tầng chứ không phải là trường học hay bệnh viện.

Bởi, nếu phát triển mạnh chung cư cao tầng, người dân sẽ đổ dồn về đó sinh sống. Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông không được cải thiện. Rõ ràng, công tác quy hoạch hiện nay đang khiến cho thực trạng ùn tắc giao thông ngày càng đi vào thế bế tắc và khó có khả năng giải quyết trong một thời gian ngắn.

Thu Phương(TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục