Quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc khi nền kinh tế này không muốn làm công xưởng của thế giới nữa?

Sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhân công giá rẻ và các mặt hàng kỹ thuật thấp, Trung Quốc đang muốn từ bỏ danh hiệu "công xưởng của thế giới" để hướng đến một nền kinh tế trình độ cao.

Sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhân công giá rẻ và các mặt hàng kỹ thuật thấp, Trung Quốc đang muốn từ bỏ danh hiệu "công xưởng của thế giới" để hướng đến một nền kinh tế trình độ cao.

Quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc khi nền kinh tế này không muốn làm công xưởng của thế giới nữa? - Ảnh 1

Việc nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ và trở thành công xưởng thế giới trong vài thập niên trở lại đây đã thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia. Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) năm 2001, Trung Quốc đã dần trở thành người chơi lớn trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Thế nhưng sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nhân công giá rẻ và các mặt hàng kỹ thuật thấp, Trung Quốc đang muốn từ bỏ danh hiệu "công xưởng của thế giới" để hướng đến một nền kinh tế trình độ cao. Bởi vậy câu hỏi đặt ra hiện nay là quốc gia nào sẽ thay thế được Trung Quốc cho vai trò này?

Việt Nam: Ứng viên tiềm năng

Theo Giáo sư kinh tế Gordon Hanson của trường đại học Harvard Kennedy School, sau nhiều năm tăng trưởng nóng để vượt mặt hàng loạt nền kinh tế lớn, chi phí nhân công tăng còn dân trí phát triển khiến Trung Quốc đang ở giai đoạn đỉnh của thị trường dựa vào xuất khẩu các mặt hàng kỹ thuật thấp.

Quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc khi nền kinh tế này không muốn làm công xưởng của thế giới nữa? - Ảnh 2

Nghiên cứu của Giáo sư Hanson cho thấy thị phần xuất khẩu của Trung Quốc với những mặt hàng kỹ thuật thấp như giày dép, đồ thể thao, quần áo… trên toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2013 với 39,3% rồi giảm xuống còn 31,6% năm 2018. Mức lương tăng cao cùng trình độ dân trí đi lên khiến tỷ lệ này của Trung Quốc khó lòng quay lại thời hoàng kim.

Bởi vậy, Giáo sư Hanson đánh giá những nền kinh tế như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… có thể sẽ thay thế vai trò công xưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên trong các ứng viên tiềm năng, chỉ có Việt Nam, Campuchia và Bangladesh là có tăng trưởng thị phần xuất khẩu các mặt hàng trên trong 20 năm qua. Bangladesh hiện đã trở thành nước xuất khẩu may mặc lớn thứ 2 thế giới nhờ chi phí thấp còn Việt Nam đang là địa điểm dịch chuyển lý tưởng cho các nhà máy giày dép, quần áo từ Trung Quốc.

"Khi nói đến ứng viên thay thế cho Trung Quốc thì Việt Nam và Bangladesh là sáng giá. Thế nhưng vấn đề là dân số của cả 2 chưa đủ lớn để tiếp quản chuỗi cung ứng của Trung Quốc như nước này từng làm vào thập niên 1990", Giáo sư Hanson nhấn mạnh.

Tổng dân số của cả Việt Nam lẫn Bangladesh chỉ vào khoảng 260 triệu người, chưa bằng 20% số dân Trung Quốc.

Đối với những khu vực khác, tiềm năng cạnh tranh là khó có thể so sánh với Việt Nam hay Bangladesh. Quốc gia tiềm năng nhất trong nhóm Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông… là Thổ Nhĩ Kỳ thì nhiều năm nay chưa có tăng trưởng thị phần xuất khẩu các mặt hàng kỹ thuật thấp.

Cạnh tranh với chính Trung Quốc

Một khả năng nữa cho sự thay đổi của Trung Quốc là các nhà máy vẫn sẽ ở lại nền kinh tế này nhưng với phương thức vận hành khác. Công nghệ mới, sự tự động hóa với robot sẽ thay thế nhân công và làm gia tăng năng suất.

Trung Quốc hiện là một trong những nước dẫn đầu về nghiên cứu robot lẫn trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên phần lớn các khoản đầu tư hiện nay mới chỉ tập trung cho ngành sản xuất ô tô và năng lượng. Chính phủ Bắc Kinh không thể hiện nhiều hứng thú cho việc hiện đại hóa các ngành xuất khẩu kỹ thuật thấp. Theo Giáo sư Hanson, có lẽ việc vẫn dư thừa nguồn lao động từ nông thôn khiến Trung Quốc chưa vội vã làm điều này.

Quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc khi nền kinh tế này không muốn làm công xưởng của thế giới nữa? - Ảnh 3

Bên cạnh đó, không phải sản phẩm nào cũng dễ dàng được hiện đại hóa sản xuất. Những nguyên liệu mềm, dễ biến dạng trong ngành may mặc sẽ khiến việc tự động hóa hay sử dụng robot trở nên khó khăn hơn.

Một kịch bản nữa cũng được Giáo sư Hanson nhắc tới là Trung Quốc vẫn giữ danh hiệu công xưởng thế giới nhưng sẽ đẩy dần các nhà máy tốn nhân công về miền nông thôn, trong khi tập trung chuỗi doanh nghiệp công nghệ cao ở thành phố.

Điều này đã từng diễn ra ở Mỹ sau Thế chiến II khi các nhà máy cần nhiều nhân công chuyển về những thị trấn nhỏ, nơi dễ tuyển lao động và có chi phí rẻ hơn thành phố. Chính xu thế này đã tạo nên hệ thống đường cao tốc trải dọc khắp đất nước.

Thế nhưng lần này, Trung Quốc gặp khá nhiều khó khăn trong việc khuyến khích các nhà máy dịch chuyển về nông thôn. Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là hệ thống giao thông khiến các doanh nghiệp lo sợ bị giảm năng suất khi dịch chuyển khỏi các thành phố lớn.

Quốc gia nào sẽ thay thế Trung Quốc khi nền kinh tế này không muốn làm công xưởng của thế giới nữa? - Ảnh 4

Giá bán lẻ quần áo không tăng mấy so với các mặt hàng khác suốt 30 năm qua tại Mỹ

Cái giá phải trả

Bất chấp việc nhiều nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc hay tìm kiếm những nguồn cung thay thế, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể dứt bỏ nền kinh tế này. Nhiều hãng thời trang đã chuyển nhà máy đến Châu Âu và Mỹ để tiếp cận khách hàng gần hơn nhưng hiệu suất cũng như chi phí không thể nào bằng Trung Quốc.

Hệ quả là hiện nay nhiều tập đoàn phải thực hiện chiến dịch "China Plus One", nghĩa là vẫn giữ nhà máy ở Trung Quốc và chỉ dịch chuyển phần nào sang các thị trường khác như Việt Nam.

Vậy nếu chi phí tại Trung Quốc tiếp tục tăng nhưng các công ty không chịu dịch chuyển, điều gì sẽ xảy ra?

Nghiên cứu của Hanson không cho ra kết luận chính xác vì thiếu thông tin, thế nhưng ông cho rằng các mặt hàng kỹ thuật thấp như may mặc có thể tăng giá. Giáo sư Hanson dẫn chứng ngành thời trang "ăn liền" (Fast Fashion) đã khiến giá bán lẻ quần áo không tăng nhiều vài thập niên trở lại đây do sự trỗi dậy của các nhà máy Trung Quốc, nhưng giờ đây mọi chuyện sẽ khác khi công xưởng thế giới muốn từ bỏ vai trò.

Băng Tâm

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục