Phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Dự thu cao nhất 5.200 đồng/km

Dự thảo Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc đề xuất 2 mức thu phí đối với các đường cao tốc do nhà nước làm chủ đầu tư

Cụ thể, mức phí đối với đường cao tốc 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1), thấp nhất từ 1.300 đồng đến 5.200 đồng/km và đối với đường cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2 ) từ 900 đồng đến 3.600 đồng/km, tùy từng nhóm xe.

Đồng thời, với đường cao tốc do UBND cấp tỉnh quản lý, khai thác, mức phí sử dụng đường cao tốc do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

2 mức phí được Bộ Giao thông vận tải đề xuất đối với các loại xe đi trên cao tốc do nhà nước đầu tư.
2 mức phí được Bộ Giao thông vận tải đề xuất đối với các loại xe đi trên cao tốc do nhà nước đầu tư.

Dự thảo cũng quy định, thời điểm thu phí, tuyến đường thu phí, mức thu phí được xác định cụ thể tại đề án khai thác tài sản đối với đường cao tốc được thu khi cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nêu các trường hợp được đề xuất miễn thu phí bao gồm: xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, tuần tra cảnh sát giao thông, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ...

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được có thể đạt hơn 3.200 tỷ đồng mỗi năm. Số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỷ đồng mỗi năm. Đối với tiền phí thu, đơn vị quản lý (thu) được để lại 0,2% (trên số tiền phí thực thu) để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ.

Đường cao tốc La Sơn - Hoà Liên.
Đường cao tốc La Sơn - Hoà Liên.

Theo Bộ GTVT, hiện có 10 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào khai thác đủ điều kiện thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nhà nước thu phí cao tốc này là kịp thời và cần thiết. Người dân có thể hoàn toàn lựa chọn các tuyến đường khác không thu phí vì bản chất đường cao tốc này không phải là độc đạo, hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích tốt hơn.

“Số phí thu được sẽ dùng để bù đắp tiền xây dựng tuyến đường, góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc khác, vì nhiều năm qua nhà nước gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để phát triển hệ thống giao thông”, một vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian sắp tới, trước khi triển khai thu phí chính thức, Bộ sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, giải thích cho người tham gia giao thông hiểu rõ mục đích của việc này. Toàn bộ số tiền phí thu còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước để chi cho công tác xây dựng, nâng cấp, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.

Xuân Thạch

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục